DetailController

Trồng trọt

Hòa Bình: Hướng tới phát triển bền vững Cây Mía, xuất khẩu ra thị trường thế giới

01/08/2023 16:00
Sản phẩm mía tươi của Việt Nam đang được xuất khẩu sang nhiều thị trường thế giới. Để đảm bảo xuất khẩu, cây mía phải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, kích thước và độ đường. Hòa Bình là tỉnh được biết đến với nhiều loại sản vật, trong đó có 2 nông sản đặc trưng là cây có múi và mía. Những năm gần đây, cây mía được phát triển thành cây trồng chủ lực của tỉnh, đóng góp khoảng 18% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Hòa Bình hướng tới phát triển bền vững cây mía, xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Sự phù hợp của đất đai, khí hậu cùng với bộ giống lâu đời đã giúp mía ở Hòa Bình nổi tiếng khắp các tỉnh thành về độ mềm, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Không chỉ dừng lại là món quà quê bình dị, những năm gần đây, mía Hòa Bình đã bắt đầu tìm đường xuất khẩu và được người tiêu dùng tại một số thị trường đón nhận.

Nước mía - một sản phẩm "make in Viet Nam" đã được các thực khách Hàn Quốc đón nhận nồng nhiệt. Mía tươi được nhập từ Hoà Bình, máy ép mía được sản xuất ở Long An và chủ tiệm thì là người Cà Mau. Hình ảnh xe nước mía Việt đắt khách tại Hàn Quốc với giá 5.000 Won (khoảng 90.000 đồng/ly), đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. 500kg mía sử dụng để ép nước mỗi ngày cho thấy sự yêu thích của người dân xứ sở kim chi với loại nông sản đặc trưng này của Hòa Bình. Không chỉ thị trường Hàn Quốc đón nhận, sau 6 tháng đàm phán và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, từ đầu năm đến nay Hòa Bình đã xuất khẩu được 2 chuyến mía trắng vào thị trường Mỹ.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Mía là loại cây có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và đặc biệt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Hòa Bình cho ra nước giải khát thơm mát có giá trị dinh dưỡng. Đặc biệt sản phẩm mía (đã tước vỏ làm sạch) không thuộc danh mục phải qua đánh giá nguy cơ dịch hại nên có thể xuất khẩu được sang thị trường Mỹ bất kể lúc nào. Mỹ với dân số trên 330 triệu người với nhiều sắc dân sẵn sàng đón nhận những thức uống bổ dưỡng".

Từ năm 2019, bắt đầu chỉ từ 120kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm. Từ thị trường đầu tiên là Nhật Bản, sản phẩm mía Việt đã mở rộng sang thị trường khác như: Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Mỹ…. Các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với các vùng trồng để hình thành những vùng nguyên liệu quy mô theo tiêu chuẩn Global Gap.

Ông Nguyễn Lê Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tiến Ngân, Hòa Bình cho biết: "Năm 2022, công ty đã có những lô mía đầu tiên đi chào hàng thị trường Châu Âu, thị trường Hàn Quốc và tới năm nay khách hàng đã quay trở lại đặt hàng. Sang năm 2023 này, khi chạy hợp đồng các đơn vị bạn ký Online và không cần phải qua đây trực tiếp để ký hợp đồng nữa".

Thị trường đang mở ra với cây mía. Còn canh tác cây mía cũng đang được chuẩn hóa. Theo số liệu thống kê, tổng diện tích canh tác mía ăn tươi của tỉnh Hòa Bình khoảng 7.000 ha. Dự kiến, trong năm nay, sẽ có khoảng từ 300 - 500 tấn mía Hòa Bình được xuất khẩu nước ngoài. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng giống, các vùng trồng đã chủ động chuyển đổi phương thức canh tác, áp dụng quy trình VietGap để đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.

Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hòa, Tân Lạc, Hòa Bình đang có 50 ha trồng mía. Tại đây, gần 50% diện tích đất đã được chú trọng canh tác theo quy trình VietGap. Từ chọn giống, bón phân đến phun thuốc đều phải làm theo hướng dẫn của hợp tác xã. Không những vậy, mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây mía đều được ghi chép cẩn thận trong nhật ký sản xuất và có sự giám sát của cán bộ chuyên môn.

Ông Bùi Hoàng Long - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hòa, Tân Lạc, Hòa Bình cho biết: "Chúng tôi cũng đang triển khai theo hướng sản xuất an toàn. Trong đó, chúng tôi cũng sử dụng dạng phân bón hữu cơ như phân chuồng khoai mục, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được chỉ định của Chi cục Bảo vệ thực vật của tỉnh". Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết: "Hầu hết các nước bây giờ chưa yêu cầu về mã số vùng trồng mía nhưng ở Hòa Bình đã chủ động, theo quy định của Luật Trồng trọt chúng tôi đã xúc tiến và cấp mã số vùng trồng, số hóa nó để có thể quản lý vùng trồng".

Để đảm bảo xuất khẩu, những cây mía phải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, kích thước và độ đường. Hiện tỷ lệ mía đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại mỗi vườn chỉ đạt 70 - 75%. Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ để 100% diện tích sản xuất mía được sử dụng giống mía nuôi cấy mô. Điều này sẽ giúp tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng đều, giữ nguyên được các đặc tính di truyền; nâng cao năng suất, chất lượng cho mía. Theo ông Trần Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: "Trước đây, bà con thường là sử dụng lại ngọn hoặc những cái cây mía nhỏ và nó yếu. Còn đối với nguồn lai cấy mô này trong quá trình lai cấy thì nó đã được loại bỏ các thành phần không tốt, đồng thời cũng loại bỏ các cái yếu tố gây bệnh"

Tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chủ động giống mía mô để thay thế toàn bộ giống mía tím cũ, sẵn sàng chủ động nguồn cung khi thị trường cần. Cùng với chuẩn hoá các vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, theo tham tán thương mại các nước, các doanh nghiệp trong nước cũng cần chú trọng gia tăng chế biến sâu, cũng như đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường. Đây được xem là những giải pháp hiệu quả, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm mía Hòa Bình.

Thực tế, sản phẩm mía tươi được xuất khẩu sang các thị trường lớn sẽ tạo đà để các nông sản tiềm năng khác của tỉnh Hòa Bình hướng tới mở rộng xuất khẩu. Thông qua đó cũng tạo sức hút, hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến cây mía và các sản phẩm thế mạnh./.