Trong năm, giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3% so với năm 2017. Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu ở các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và trên thị trường vẫn còn diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm, giáp tết Nguyên đán, mặt hàng chủ yếu là đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như quần áo, mỹ phẩm, nước giải khát, bánh mứt kẹo… Tình trạng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực như: hàng thực phẩm công nghệ, mỹ phẩm vẫn còn diễn ra.
Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và vi phạm về nhãn vẫn còn diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, mức thu nhập thấp, các đối tượng vi phạm thường đánh vào tâm lý muốn mua rẻ của người tiêu dùng, tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn hiểm trở đi lại khó khăn. Những vụ việc được phát hiện, xử lý đều có phương thức, thủ đoạn tinh vi, được tổ chức chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất đến khâu phân phối với công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đây là thách thứ lớn đối với các cơ quan chức năng.
Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia và UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị kinh doanh, nhất là các mặt hàng bình ổn giá để phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm và có giải pháp xử lý kịp thời. Thực hiện tốt công tác dự báo, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hành vi vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, đặc biệt tại các điểm tập kết lên xuống hàng hóa, bến xe và các tuyến quốc lộ.
Năm 2018, các lực lượng chức năng đã kết quả kiểm tra 4.149 vụ (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017); xử lý vi phạm 2.055 vụ/2.055 đối tượng vi phạm ( bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế: 47.695 triệu đồng. Trong đó: tổng số tiền phạt VPHC: 14.666 triệu đồng (bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2017); tiền thu phạt bổ sung và truy thu: 33.001 triệu đồng; tiền bán thanh lý, hàng tịch thu: 28 triệu đồng. Thanh tra, kiểm tra: 246 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xử lý vi phạm hành chính: 88 cơ sở; phạt VPHC: 135.850.000 đồng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm,...đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình.
Công tác tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại bước đầu có những kết quả tích cực, người dân đã quan tâm, tìm hiểu về cách nhận biết và cảnh giác đối với các loại hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác. Trong năm 2018, tổ chức được 137 lớp tập huấn cho 5.310 lượt người, đối tượng tham dự là các cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp; tuyên truyền các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác PCCCR cho 134.417 lượt người…
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn được tăng cường trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, VTV2, Chương trình chuyển động 24h và Đài truyền hình, báo địa phương. Các dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đã phát huy được hiệu quả.
Tỷ lệ mẫu nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm giảm 1,23% so với năm 2017 (năm 2017 là 8,03%), không phát hiện chất cấm Sabutamol, kháng sinh cấm, vàng O trên các sản phẩm thịt lợn, thịt gà tươi sống, không phát hiện dư lượng thuốc BVTV trên các mẫu rau, quả, chè; chưa phát hiện ra việc gian lân thương mại bơm tạp chất vào tôm trong các sản phẩm tôm đông lạnh trên địa bàn. Công tác lấy mẫu hậu kiểm được quan tâm triển khai, đã phát hiện một số mẫu có chất lượng không đúng so với chỉ tiêu công bố, một số mẫu không đảm bảo chất lượng đã được xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng mỏng nên công tác quản lý và bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản lợi dụng địa bàn phức tạp lén lút hoạt động, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che mắt các cơ quan chức năng. Lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn mỏng; năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số đơn vị, địa phương không đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa do chưa có đầy đủ thông tin về nhận biết hàng thật, hàng giả và ham giá rẻ nên các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả. Công tác đấu tranh, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của quần chúng nhân dân chưa thực sự mạnh mẽ…/.