DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hòa Bình Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

28/07/2017 00:00
Theo số liệu thống kê của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tính đến hết ngày 16/7/2017, toàn miền bắc ghi nhận 5.489 trường hợp lâm sàng, trong đó 3.737 ca mắc sốt xuất huyết được xét nghiệm khẳng định, tăng mạnh so với cùng kỳ 2016 (628 trường hợp), không ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết nặng, ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Bệnh đang phát triển mạnh tại các tỉnh, thành phố đặc biệt tại Thành Phố Hà Nội có 4.580 ca.
Cán bộ Trung tâm y tế huyện Đà Bắc phun thuốc diệt muỗi tại khu dân cư

Hiện nay là thời điểm vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết phát triển. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị Ngành y tế tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết. 

Tại tỉnh tỉnh Hòa Bình, theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đến ngày 25/7 toàn tỉnh ghi nhận 25 trường hợp sốt xuất huyết tại 6 địa phương: Cao Phong 1 ca, Kim Bôi 5 ca, Lạc Sơn 2 ca, Lương Sơn 2 ca, Tân Lạc 1 ca, Thành Phố 5 ca, Đà Bắc 1 ca. Trong đó 14 ca bệnh nhân mắc bệnh đều công tác và làm việc tại Hà Nội, 3 ca bệnh nhân mắc bệnh tại các huyện Đà Bắc, Lương Sơn và Thành Phố Hòa Bình. 

Để tăng cường công tác phòng chống xốt xuất huyết, Sở y tế Hòa Bình và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai hàng tuần chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tới tận thôn, xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các khu vực đang ghi nhận ổ dịch và nơi có nguy cơ cao. Tổ chức tập huấn và tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến. Tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, chiến dịch diệt loăng quang bọ gậy, diệt muỗi. Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu nguy cơ, sự nguy hiểm và cộng đồng chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Rà soat trang thiết bị vật tư hóa chất cho công tác phòng chống sốt xuất huyết, hạn chế không để dịch lan rộng. Tăng cường kiểm tra giám sát các vùng có nguy cơ cao.

BSCKII: Trần Thị Ái Hương – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình cho biết: Với mục tiêu không để dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn tỉnh và không để tử vong do xốt xuất huyết, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã chủ động trong công tác chỉ đạo hoạt động chuyên môn đối với tuyến huyện, thành phố. Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết thông qua việc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các huyện xây dựng kế hoạch chủ động trong phòng chống sốt xuất huyết. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung và triển khai một số các hoạt động đó là triển khai hoạt động tập huấn công tác chuyên môn cho cán bộ trung tâm y tế các huyện, thành phố. Rà soát lại vật tư hóa chất, để củng cố vật tư hóa chất dự trữ tại trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cũng như cung cấp cho các huyện, thành phố. Chỉ đạo tập trung vào các hoạt động điều tra, giám sát để ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng sẵn sàng có phương án xử lý các ca mắc và các vùng có nguy cơ ở tại cộng đồng. Đặc biệt phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Thực hiện chỉ đạo của Sở y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, các Trung tâm y tế huyện, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết. Đặc biệt đối với huyện Đà Bắc là huyện đầu tiên của toàn tỉnh có bệnh nhân nghi sốt xuất huyết nội địa nên Trung tâm y tế huyện đã khẩn trương triển khai các hoạt động phòng chống dịch.  Tổ chức thông tin, truyền thông về bệnh sốt xuất huyết cho cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh - truyền hình. Phát các tài liệu như tranh gấp, tờ rơi cho các xã thị trấn; tổ chức nói chuyện trực tiếp về bệnh sốt xuất huyết trong các cuộc họp của xóm, các cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể.

Để ngăn chặn, phòng ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch SXH trong năm 2017, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi đã bắt đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH, đặc biệt là tại các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch.  Chỉ đạo trạm y tế các xã thực hiện định kỳ theo đúng kế hoạch các hoạt động diệt bọ gậy, loăng quăng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chủ động; tổ chức thăm hỏi, tuyên truyền cho các gia đình có bệnh nhân nghi sốt xuất huyết. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã chủ động hơn trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn đốt truyền bệnh, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng qăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết mỗi người mỗi gia đình, cộng đồng hãy đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào lu, chum, vại, bể chứa nước và dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng, bọ gậy. Thau rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên, thường xuyên thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước tủ lạnh. Bỏ muối, dầu, hóa chất diệt loăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân trạn. Loại bỏ, lật úp các vật phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ, các hốc chứa nước, lật úp các dụng cụ chưa sử dụng không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Diệt loăng quang bọ gậy là trách nhiệm của mọi nhà, cộng đồng chung tay để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết.