Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có tới 17.500 người tàn tật, trẻ mồ côi (chiếm 2,18% dân số), đây là con số do hậu quả, tàn dư nặng nề của chiến tranh, những bất cập, chủ quan trong lao động sản xuất, trong tham gia giao thông và những nguyên nhân khác dẫn đến. Trong đó có 2.247 trẻ mồ côi, 15.257 người tàn tật; có tới 6.278 người mất và suy giảm khả năng lao động phải dựa vào chính sách, sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội. Tỉnh Hòa Bình đã có những chủ trương chính sách trợ giúp người tàn tật, trẻ mồ côi, mỗi năm chi từ nguồn ngân sách hàng trăm tỷ đồng để trợ cấp thường xuyên, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ học tập, dạy nghề… và nuôi dưỡng trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn tại các Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh, Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành, trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức, Trung tâm bảo trợ xã hội Thuận Hòa - Mai Châu; cùng với nguồn huy động từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để trợ giúp vật chất, động viên tinh thần; sự quan tâm của gia đình và sự cố gắng vượt qua gian khó của chính bản thân họ. Đến nay đời sống người tàn tật, trẻ mồ côi trong tỉnh từng bước được cải thiện, nhiều người đã, đang có việc làm ổn định, thu nhập khá cho bản thân và gia đình.
Đồng thời, thực hiện chương trình sinh kế như tặng 31 con bò sinh sản tại 02 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tặng, cấp 2.262 xe lăn cho người tàn tật; 331 xe đạp cho trẻ mồ côi; 337 xuất học bổng cho trẻ mồ côi, trẻ em tàn tật; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 223 nhà “tình thương”. Tổ chức dạy nghề được 27 lớp với 1.140 học viên cho người tàn tật chủ yếu là các nghề: may công nghiệp, may dân dụng, thêu tay truyền thống, mây tre đan… học xong số người có việc làm đạt 80%, có thu nhập hàng tháng cho bản thân. Thăm hỏi tặng quà nhân ngày lễ tết được 49.784 lượt người. Phẫu thuật chỉnh hình, đục thủy tinh thể cho 71 người. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí trung bình hàng năm cho từ 1.200 đến 1.500 lượt người. Ngoài ra thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan đưa nội dung hoạt động, lồng ghép với các chương trình mục tiêu như: Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa, tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin để cải thiện đời sống cho đối tượng.
Bên cạnh đó, nhiều việc làm nghĩa tình được xã hội hóa sâu rộng nhằm chăm sóc, bảo vệ, trợ giúp người tàn tật, trẻ mồ côi trong tỉnh với sự tham gia nhiệt tỉnh của các tập thể, cá nhân nhà hảo tâm trong tỉnh như: tổ chức nhân đạo sứ mạng xe lăn (Free wheelchair R Mision) Mỹ, Lúc Xăm Bua, Thổ Nhĩ Kỳ; các đơn vị, cơ quan: Liên đoàn lao động tỉnh, UB MTTQ tỉnh, các phong trào giáo dục huyện, thành phố, Hội chữ thập đỏ tỉnh, Công ty xổ số kiến thiết tỉnh, Công ty cổ phần xây dựng 565, Công ty xây dựng Hoàng Sơn, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh, Hội doanh nghiệp bờ trái sông Đà, … đang đồng hành với các chương trình chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi, tỉnh Hòa Bình đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến , giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống để những chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; tuyên truyền nhằm thu hút nguồn lực trong xã hội, khơi dậy lòng hảo tâm, tầm lòng vàng nhân ái của các tổ chức, cá nhân, của các “Mạnh thường quân” với truyền thống “Yêu nước, thương nòi” “Thương người như thể thương thân”. Tiếp tục cuộc vận động “Toàn dân bảo trợ, chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi”. Đổi mới phương thức vận động, xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu vận động cụ thể, lồng ghép với các cuộc vận động của các tổ chức xã hội - từ thiện trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác bảo trợ, giúp đỡ, từng bước chuyển từ cơ chế hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp thông qua hộ gia đình; các tổ chức xã hội - từ thiện; các cơ sở dạy nghề tạo việc làm; hỗ trợ sinh kế làm ăn; hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe, y tế, điều kiện sinh hoạt, đi lại; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà ở và các hoạt động văn hóa, tinh thần. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ./.