Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Sở Công thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tình hình thị trường, cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình gửi Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nhất là những chỉ đạo của Bộ Công thương và của tỉnh về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên trang thông tin điện tử của Sở. Đưa tin bài phản ánh kịp thời tình hình diễn biến mới nhất về dịch bệnh.
Tại thành phố Hòa Bình, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường công tác phòng, chống dịch như: Bố trí các điểm rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn phục vụ khách thăm quan, mua sắm; 100% nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay thường xuyên sau khi giao dịch với khách hàng. Các trung tâm thương mại có dịch vụ nhà hàng, khách sạn đều được bố trí máy đo thân nhiệt để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt hoạt động kinh doanh tại hệ thống các cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình cung - cầu, giá cả, tâm lý tiêu dùng của người dân, đặc biệt khi xảy ra tình huống bất thường phải kịp thời báo cáo về Sở để tìm hướng tháo gỡ. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây rối loạn thị trường.
Tại các huyện, tình hình thị trường không có nhiều đột biến, các hoạt động mua bán cơ bản diễn ra bình thường, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, do đặc thù địa bàn các huyện lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt phần lớn vẫn là tự cung tự cấp tại chỗ, nên hiện tượng mua hàng tích trữ không xảy ra, nguồn cung hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Khảo sát tại một số chợ truyền thống cho thấy, giá rau xanh, củ quả, thị lợn, gia cầm, bò, thủy sản… ổn định. Giá các mặt hàng thịt lợn giao động ở mức 140.000đ - 160.000đ/kg, thịt bò giá giao động từ 240.000đ - 260.000đ/kg, gà ta giá giao động từ 110.000đ - 130.000đ/kg, rau cải cúc 5.000đ - 6.000đ/bó, bắp cải 10.000đ - 12.000đ/chiếc, bí xanh 12.000đ/kg, cà chua 12.000đ/kg. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại không có cảnh xếp hành chờ thanh toán. Hàng hóa được bày bán trên kệ rất đầy đủ, nhiều mặt hàng còn được hỗ trợ khuyến mại giảm giá.
Theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ được tăng gấp 4 - 5 lần. Hệ thống siêu thị Vinmart, chuỗi cửa hàng Vinmart + cam kết dự trữ đầy đủ hàng hóa đáp ứng đủ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân; siêu thị Anh Kỳ, Vì Hòa Bình và các điểm phân phối, mua sắm của Công ty cổ phần đầu tư Sơn Anh lượng hàng hóa được tăng từ 30 - 40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối… Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu người dân. Tại các cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh nguồn cung hàng hóa đảm bảo ổn định, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân./.