DetailController

Tin từ các đơn vị

Hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bảo đảm an toàn, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tại sạt lở đất, đá sau bão số 3

18/09/2024 16:17
Ngày 17/9, Sở GTVT ban hành Công văn số 3016/SGTVT-QLKCHTGT gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh Hòa Bình; Ban QLDA ĐTXD các NN&PTNT tỉnh Hòa Bình; Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì CTGT; Thanh tra Sở; Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc Hòa Bình; Đoạn Quản lý đường bộ II Hòa Bình; Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Hòa Bình; Công ty TNHH Xây dựng 209; Công ty Cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9 yêu cầu về việc hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bảo đảm an toàn, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tại sạt lở đất, đá sau bão số 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3 gây nhiều thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, hạ tầng viễn thông, đặc biệt việc sạt lở đất tại nhiều địa phương vẫn tiếp có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân bất kỳ lúc nào. Hiện nay, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa, nắng đan xen, một số điểm đã xảy ra tình trạng sụt lún nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến người dân và giao thông như sạt lở tại xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; xóm Rài xã, Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn; xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường 433…

Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển, hàng hóa thiết yếu, xăng dầu được ưu tiên lưu thông, vận chuyển vào các vùng bị chia cắt, cô lập trong điều kiện bảo đảm an toàn.

Kịp thời có những giải pháp ứng phó, hỗ trợ bảo đảm an toàn, hiệu quả cho hoạt động vận tải; đặc biệt là việc tìm kiếm, cứu nạn và vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Các Ban Quản lý dự án: Chỉ đạo nhà thầu thi công cử lực lượng trực phòng chống thiên tai, sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường thực hiện cảnh báo, phân luồng, khắc phục đối với các vị trí sạt lở, hư hỏng công trình đường bộ trong phạm vi thi công đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.

Đối với các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Khẩn trương khắc phục, đảm bảo giao thông đối với các điểm đã sạt lở và các điểm sạt lở phát sinh; bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường được giao quản lý.

Tích  cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan Công  an, Cảnh sát giao thông, các lực lượng khác và cơ quan, đơn vị có liên quan trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng đường bộ và các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mữa lũ, đặc biệt là cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên các tuyến đường để có phương án đề xuất phân luồng giao thông từ xa nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình.

Đối với nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa:

Chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông đường thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau lũ; kiểm tra, rà soát phao neo, trụ neo, báo hiệu khu vực neo đậu cho tàu, thuyền tránh trú bão, lũ trên tuyến đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.

Tăng cường công tác thường trực, kiểm tra việc neo đậu, đậu đỗ của phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện phải neo đậu, chẳng buộc chắc chắn, ổn định, đậu đỗ tại khu vực an toàn không để phương tiện trôi dạt, va đập vào kết cấu hạ tầng giao thông, công trình khác.

Đối với Thanh tra Sở:

Rà soát, kiểm tra, yêu cầu các phương tiện không neo đậu khu vực gần các công trình vượt sông.

Phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương kiểm tra các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải neo đậu phương tiện trong thời gian ảnh hưởng của mưa, lũ để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình mưa, lũ diễn biến phức tạp.

Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các phương tiện thuỷ nội địa trôi dạt, đắm trên đường thuỷ nội địa hạn chế ảnh hưởng đến cầu đường bộ.

Không cấp phép cho phương tiện rời cảng, bến trong thời gian, phạm vi ảnh hưởng của mưa, lũ; yêu cầu thuyền trưởng, người lái phương tiện hoặc chủ phương tiện phải có biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa.

Phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.

Đối với Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc Hòa Bình:

Căn cứ các nội dung nêu trên tổ chức chỉ đạo thực hiện đối với Quốc lộ 6 (Km38+00-Km70+932) và đường Hòa Lạc - Hòa Bình (Km6+680-Km30+275).

Theo dõi vị trị sạt lở tại trạm thu phí quốc lộ 6, có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho người  và tài sản của trạm.

Sửa chữa kịp thời các vị trí hư hỏng phát sinh trên mặt đường, lề đường, rãnh thoát nước trên tuyến quản lý.

Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.