DetailController

Tin từ các đơn vị

Hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình, định hướng đến năm 2035

12/04/2021 00:00
Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc với tổng diện tích tự nhiên 460.869,1 ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 298.103 ha, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất 149.429 ha, chiếm 51,7% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm rừng tự nhiên 28.131,08 ha, rừng trồng 69.321,88 ha, đất trống 51.976,04 ha. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho phần lớn dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả trong toàn xã hội

Những năm qua, công tác phát triển rừng trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhận thức về rừng của Nhân dân được nâng lên, quan điểm định hướng xã hội hóa nghề rừng được triển khai thực hiện. Công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện tốt. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 73 nghìn ha rừng trồng sản xuất, trong đó, khoảng 20 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chiếm 27% diện tích rừng trồng hiện có; cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, chế biến, khẳng định lợi ích kinh tế từ rừng, góp phần duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh trên 51%. Trong quý I năm 2021, toàn tỉnh trồng được 260 nghìn cây phân tán và cây ăn quả các loại; khai thác được khoảng 616 ha rừng tập trung; kiểm tra phát hiện, xử lý 09 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước.  

Tuy vậy, công tác phát triển rừng trồng sản xuất vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế từ rừng trồng còn khá thấp so với bình quân vùng và cả nước. Đặc biệt, diện tích rừng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC còn ít; quy cách, chất lượng gỗ khai thác không đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Với thực trạng như hiện nay, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng theo hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh rừng trồng hướng tới chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ khai thác, tăng tỷ lệ diện tích rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giống, thực hiện cách mạng về giống; chuyển dần tập quán sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh rừng. Thay đổi thói quen khai thác rừng non (gỗ nhỏ) sang sản xuất kinh doanh gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến gỗ hướng đến xuất khẩu. Gắn phát triển rừng sản xuất với thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035.

Mục tiêu chung là hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển bền vững; làm cơ sở gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững. Phấn đấu hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn với quy mô khoảng 6.589 ha (trồng mới 1.935 ha, trồng lại 4.654 ha). Thực hiện hỗ trợ cây giống chất lượng cao, phân bón năm đầu và lãi suất vay vốn cho trồng rừng theo chu kỳ kinh doanh rừng khoảng 21.000 ha. Hỗ trợ chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn khoảng 14.631 ha. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho khoảng 28 nghìn ha.

Nhằm tổ chức thực hiện hoàn thành mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất bền vững trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, Nhân dân. Khuyến kích thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đồ mộc xuất khẩu quy mô lớn. Tăng cường xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tiêu thị tại thị trường nội địa, dần vươn ra thị trường quốc tế. Cấp cây giống chất lượng cao hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất; hỗ trợ vật tư, phân bón và một số phần công chăm sóc cho các chủ rừng tham gia trồng, kinh doanh rừng gỗ lớn./.