Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 20025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều huyện Đà Bắc giảm từ 65,54% năm 2022 và đến năm 2025 còn từ 41,54% đến 37,54%; quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối kỳ giảm ít nhất còn 3.843 hộ so với năm 2022. Phấn đấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Đà Bắc giảm từ 12/17 xã thuộc xã vùng III, với tỷ lệ 70,59% theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Chính phủ, xuống còn 6/17 xã, chiếm tỷ lệ 35,29%. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt từ 40 triệu đến 50 triệu/người/năm. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2022- 2025. Nội dung hỗ trợ thông qua 2 hình thức. Hình thức hỗ trợ trực tiếp với 2 dự án chính là Dự án Cải tạo, sửa chữa đường huyện (ĐH.34) từ ngã ba Ênh, xã Tân Minh đi xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc và và nâng cấp, cải tạo ngầm tràn tại xã Đoàn Kết. Hình thức hỗ trợ ưu tiên lồng ghép thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện triển khai các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện triển khai các dự án; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho 4 xã về đích nông thôn mới và các nội dung hỗ trợ khác để triển khai huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện cả giai đoạn hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương là 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 700 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu quán triệt và tuyên truyền nội dung Chỉ thị và Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Với các nhiệm vụ tổng quát là “Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo có thu nhập vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. Tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Xây dựng bổ sung thêm chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào các dân tộc sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Bố trí và huy động các nguồn lực, vận động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các xã, thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Củng cố, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ giảm nghèo các cấp ổn định về số lượng và chất lượng, đảm bảo chế độ chính sách hỗ trợ tương xứng. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm, ứng dụng về an sinh xã hội để quản lý, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, các cấp các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ưu tiên tập trung, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo phấn đấu hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện Đà Bắc và toàn tỉnh. Ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia đóng góp bằng tiền, tài sản, hiện vật hoặc ngày công lao động theo nguyên tắc tự nguyện; khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia thi công công trình trên địa bàn huyện; vốn huy động hợp pháp khác.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc. Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, tổng hợp báo cáo, thực hiện./.