DetailController

Tin từ các đơn vị

Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA

05/06/2020 00:00
Sáng 5/6, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA". Đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị. Tại điểm cẩu tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành mở cửa kinh tế, chuyển đổi cơ cấu để tiến hành đổi mới, hợp tác sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong quá trình phát triển toàn diện đó, dấu ấn của việc nghiên cứu, đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã thể hiện sắc nét, gắn một cách chặt chẽ với sự đổi mới của quan hệ sản xuất; sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự thay đổi tích cực về tư duy sản xuất và quan hệ thương mại với các đối tác thương mại, đầu tư trong khu vực và quốc tế. Minh chứng thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong đàm phán FTA chính là sự chuyển đổi nhanh chóng đàm phán các FTA thông thường lên mức độ cao hơn, phạm vi rộng hơn, cam kết chặt chẽ hơn, đó chính là FTA thế hệ mới. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết sâu rộng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng hàng loạt các FTA.

Với Hiệp định CPTPP, việc các nước, trong đó có các thị trường mới như Mehico và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho nhiều hàng hoá Việt Nam sẽ tạo ra những cú hích tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD.

Với Hiệp định EVFTA, EU là thị trường có sức mua lớn với dân số trên 500 triệu người tiêu dùng và đang là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và trên Trung Quốc, các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi được đưa vào thực thi, với cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã cam kết, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, giúp đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với việc nếu như không có Hiệp định.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích về lợi ích chiến lược và những điểm lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả EVFTA; các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU; vai trò của chính quyền các cấp địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA; định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA; nhu cầu hỗ trợ để tiếp cận và khai thác hiệu quả EVFTA.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, từ một nước mới chập chững bước vào hội nhập kinh tế với các đối tác trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chính trị từng bước tham gia vào các FTA song phương và khu vực; đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đây chính là động lực để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và tiếp tục hội nhập hiệu quả hơn nữa. Trong thời gian tới, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống. Không dừng lại ở CPTPP và EVFTA, hiện Việt Nam đang tiếp tục công cuộc mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán một sôe FTA khác như FTA Việt Nam - Itxaren (VIFTA), FTA Việt Nam - Khối EFTA và cùng các nước ASEAN tham gia đàm phán Hiệp định RCEP. Các Hiệp định này đã trải qua nhiều phiên đàm phán và đã đạt được tiến bộ ở một số nội dung, lĩnh vực quan trọng, cũng như xác định được những vấn đề còn tồn tại để đẩy mạnh đàm phán./.