DetailController

Trồng trọt

Hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2023-2025

10/02/2023 00:00
Ngày 27/10/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNNPTNT về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Theo đó, tỉnh Hòa Bình được định hướng phát triển chủ lực cây cam và cây bưởi là các loại cây ăn quả có múi. Tỉnh đã nắm bắt và đón đầu xu thế trong phát triển sản xuất cây ăn quả chủ lực khi đã sớm ban hành Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 phù hợp với định hướng chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của Chính phủ trong Chiến lược phát phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách đặc thù để trồng tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong, phù hợp với tình hình thực tế sản xuất.
Tỉnh đầu tư phát triển sản xuất cây ăn quả chủ lực – cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 09/09/2021 về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra giải pháp về tổ chức quản lý và triển khai thực hiện Đề án đã nêu, mở rộng và duy trì ổn định diện tích trồng cây ăn quả có múi khoảng 14 nghìn ha, sử dụng các giống năng suất, chất lượng, ít hạt, rải vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Nhiệm vụ đến năm 2025 pPhát triển và duy trì ổn định diện tích khoảng 14 nghìn ha cây ăn quả có múi, sản lượng khoảng 21-22 vạn tấn/năm; tập trung tái canh trên diện tích già cỗi, hết chu kỳ khai thác trên nguyên tắc tổ chức lại sản xuất ở vùng tái canh, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên về cây có múi. Ngày 16/9/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Mục tiêu cụ thể 100% diện tích trồng tái canh được sử dụng nguồn giống sạch bệnh được khai thác từ cây đầu dòng hoặc từ hệ thống nhân giống 3 cấp; cây giống đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia;đảm bảo cơ cấu mỗi xã/xóm chỉ có 1-2 giống chủ lực để hình thành các vùng trồng thuần loài, đạt yêu cầu quy mô diện tích để được cấp mã số vùng trồng; đảm bảo cơ cấu các nhóm giống phục vụ mục đích rải vụ.

Thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cây giống được khai thác từ vật liệu nhân giống đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định; góp phần phát triển vùng trồng tập trung, thuần loài, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng, thuận lợi trong áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác, thu hái, sơ chế đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Căn cứ quy trình kỹ thuật canh tác, mỗi ha trồng mới được hỗ trợ 400 cây giống với những giống cam dạng quả bổ (cam V2, cam CS1, cam BH, cam Xã Đoài vv); 625 cây giống với những giống cam dạng quả bóc và quýt (cam đường canh, quýt Ôn châu, quýt dẹt…). Cây giống sạch bệnh, được khai thác từ vật liệu nhân giống đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.

Điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng được hưởng chính sách hỗ trợ khi có diện tích sản xuất cây cam nằm trong quy hoạch cây ăn quả có múi của tỉnh và kế hoạch phát triển sản xuất do Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong ban hành hàng năm hay cho cả giai đoạn và đã thực hiện việc cải tạo đất đáp ứng yêu cầu trồng tái canh. Hình thức hỗ trợ là hỗ trợ bằng cây giống cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng được điều kiện hỗ trợ./.