Tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương đi đầu thực hiện Nghị quyết của TƯ về sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ và chất lượng đề ra thực hiện mục tiêu tinh gọn và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính. Cùng với đó, tỉnh đã làm tốt công tác cán bộ, tạo nguồn cán bộ dồi dào, nguồn nhân sự cấp ủy khóa mới có chất lượng tốt hơn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu quả điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Giải quyết chế độ cán bộ dôi dư sau sắp xếp
Sau thực hiện sắp xếp đơn vị hàh chính cấp huyện, xã bảo đảm đúng theo chủ trương, kế hoạch, lộ trình đề ra, số lượng cán bộ công chức và người lao động dôi dư là rất lớn. Tổng số CB, CC trước sắp xếp là 262 người; số lượng bố trí đúng quy định 164 người; số lượng dự kiến dôi dư 98 người (gồm 28 cán bộ và 70 công chức). Đối với cấp xã, tổng số CB, CC cấp xã trước khi sắp xếp 2.120 người; số lượng bố trí đúng quy định 1.067 người; số lượng dự kiến dôi dư 1.053 người (gồm 486 cán bộ và 567 công chức); chưa tính số lượng 173 Trưởng Công an xã không chính quy (hiện nay là công chức xã) sẽ dôi dư khi thực hiện chủ trương điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Bên cạnh đó, số người hoạt động chuyên trách trước khi sắp xếp là 1.418 người; số lượng bố trí đúng quy định 673 người; số lượng dự kiến dôi dư 745 người.
Như vậy, số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp là rất lớn, đòi hỏi tỉnh Hòa Bình phải có phương án giải quyết phù hợp, thấu tình đạt lý. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền, vận động, phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các nội dung liên quan sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Các cơ quan, đơn vị kịp thời chấn chỉnh, thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại CB, CC, VC, người lao động trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hàng tháng, hàng năm để làm cơ sở phân loại, xác định đối tượng dôi dư, nghỉ việc, tinh giản biên chế theo lộ trình...HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 173/2019/HĐND về việc giải quyết nghỉ chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư nghỉ việc sau sáp nhập. Cán bộ dôi dư nghỉ công tác không chỉ được hưởng chế độ theo Nghị định số 108/2014 mà còn được hưởng chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư nghỉ việc theo Nghị quyết số 173. Điều này đã góp phần khuyến khích những cán bộ cao tuổi có thể nghỉ để hưởng chế độ hỗ trợ và hưu trí.
Đối với xã Hợp Phong, huyện Cao Phong sau sắp xếp, số cán bộ, công chức của ba xã là 59 người. Thực hiện sắp xếp và giải quyết cán bộ hiện còn 44 người và còn dư 19 người, theo Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Thuận lộ trình đến năm 2025 cơ bản giải quyết hết số cán bộ dôi dư.
Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã giải quyết chế độ cho 466 cán bộ, công chức cấp xã (trong đó 342 người thuộc đơn vị cấp xã sắp xếp), 859 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (đã có quyết định chi trả cho 213 người). Thành phố Hòa Bình đã sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức đến nay đã giảm 40 người (khối Đảng, đoàn thể 14 người; khối hành chính, sự nghiệp 26 người) so với trước khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố hòa bình.
Quá trình thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định. Đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn, bố trí sắp xếp phù hợp với vị trí việc làm, trình độ năng lực, chuyên mộn. Cơ quan đảng, chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện đã giảm số chi thường xuyên tính đến năm 2020 là 170,410 tỷ đồng. Cơ sở vật chất như: Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc đã được sắp xếp, quản lý, sử dụng phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện ở mỗi địa phương, đáp ứng cơ bản với yêu cầu hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Chuẩn bị nguồn nhân sự cấp ủy có chất lượng
Đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Cùng với sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm lộ trình và hiệu quả, tỉnh Hòa Bình thực hiện bài bản, có lộ trình, xây dựng nguồn cán bộ dồi dồi dào, nguồn nhân sự cấp ủy cấp ủy khóa mới đủ đủ đức, đủ tài, có khả năng quy tụ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Huyện Cao Phong thực hiện sáp nhập 3 xã Đông Phong, Xuân Phong và Tân Phong để thành lập xã Hợp Phong; sáp nhập xã Yên Lập và Yên Thượng để thành lập xã Thạch Yên, đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động trước ngày 20/2/2020. Đồng chí Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong Đinh Đức Lân cho biết: Từ tháng 9/2019, BTV Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo rà soát hồ sơ cán bộ chủ chốt nghiêm túc, đặc biệt là nhân sự quy hoạch chức danh BTV Huyện ủy quản lý đối với tất cả các xã, thị trấn, gắn với quy hoạch nhân sự cho nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở kết quả rà soát, tập thể thường trực, lãnh đạo UBND huyện họp thảo luận, bàn phương án sắp xếp cán bộ thuộc BTV Huyện ủy quản lý đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý 5 xã thực hiệp sáp nhập, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể; rà soát đội ngũ cán bộ hiện có, chuẩn bị phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, bảo đảm lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, năng lực công tác trên cơ sở các tiêu chí cụ thể để đảm đương nhiệm vụ tại đơn vị hành chính mới.
Đồng chí Bùi Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Phong cho biết: Đại hội Đảng bộ xã Hợp Phong lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức Các đồng chí trúng cử vào BCH, các chức danh chủ chốt trong cấp ủy đều được được tín nhiệm với số phiếu cao và tập trung (tỷ lệ bầu đạt từ 90 - 100%). Nội bộ cấp ủy, tư tưởng cán bộ, đảng viên rất đồng thuận, mọi công việc đang "chạy đều”, nhiệm vụ chính trị của địa phương vẫn tốt. Đồng chí Bùi Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy cho biết: Các đồng chí trúng cử vào BCH, BTV có số phiếu cao, tập trung; riêng BTV khóa mới, tỷ lệ nữ hơn 1 đồng chí so với nhiệm kỳ trước.
Đối với thành phố Hòa Bình sau khi sáp nhập thành công, Đảng bộ thành phố được thành lập, HĐND thành phố họp bầu các chức danh chủ chốt để tiến hành lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị không bị gián đoạn. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hòa Bình Bùi Văn Quyền cho biết: Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ II bầu vào cấp ủy, ban thường vụ đều có số phiếu cao và tập trung. Lãnh đạo chủ chốt của thành phố như: Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND là những đồng chí được luân chuyển, điều động về thành phố là những cánbộ trẻ, có trình độ năng lực, có tín nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025.
Tỉnh ủy Hòa Bình đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình 5 bước trong công tác nhân sự, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch... theo quy định, hướng dẫn của T.Ư và yêu cầu thực tế của từng đơn vị, địa phương. BTV Tỉnh ủy đã thông qua và phê duyệt quy hoạch nhân sự cấp ủy của các Đảng bộ trực thuộc, làm cơ sở để các Đảng bộ xây dựng đề án nhân sự trình đại hội. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức lấy ý kiến của Ban chấp hành các nội dung: điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Ban chấp hành, Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo phân cấp quản lý cán bộ; định hướng cơ cấu nhân sự BCH Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025…
Đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Đại hội đảng các cấp và đại hội Đảng bộ tỉnh đáp ứng yêu cầu chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Đối với công tác nhân sự được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, khách quan, đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, độ tuổi, cơ cấu ngành, lĩnh vực, số dư, có tính kế thừa và phát triển, những vị trí chủ chốt đã được lựa chọn xứng đáng, có uy tín và tín nhiệm cao trong Nhân dân, được Ban Tổ chức TƯ đánh giá cao.
Từ thực tế triển khai công tác sắp xếp, tinh giản đơn vị hành chính và những khó khăn đặt ra, tỉnh Hòa Bình đề xuất TƯ sớm xem xét ban hành một số cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ về nguồn lực để mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính đạt hiệu quả cao hơn như: Các xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp lại, quy mô dưới 50% gồm hai tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên yêu cầu bắt buộc thì cơ chế tài chính khác với cơ chế tài chính mở rộng quy hoạch phát triển đô thị. Bên cạnh đó cần khuyến khích cơ chế tài chính, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng ở đơn vị hành chính mới. Cần có chính sách hỗ trợ thêm cho chức danh trưởng thôn vì trước phụ trách một thôn, sau sáp nhập phụ trách hai thôn sẽ vất vả hơn...
Có thể nói sắp xếp đơn vị hành chính là việc làm mới và khó, song với sự quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, phù hợp, mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính theo các Nghị quyết của TƯ được triển khai ở tỉnh Hòa Bình đã đáp ứng yêu đề ra; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tin gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển KT-XH của các địa phương cũng như của tỉnh. Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính đã huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, góp phần quan trọng để tỉnh Hòa Bình hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI ( nhiệm kỳ 2015-2020), đặc biệt góp phần quan trọng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%, một trong những chỉ tiêu rất khó đạt của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Hòa Bình đạt 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Nguồn lực đầu tư toàn xã hội được nâng lên. Quy mô nền kinh tế mở rộng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, tỷ trọng CN-XD và dịch vụ đã chiếm tới 80% cơ cấu kinh tế. GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, gần bằng GRDP bình quân đầu người của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với 6 tỉnh vùng Tây Bắc. Gần một nửa số xã đạt chuẩn NTM, đứng thứ 3 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc. Hòa Bình là tỉnh đi đầu trong thực hiện NQ T.Ư 6 (khóa XII), NQ số 37 của Bộ Chính trị, NQ số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình đã chuẩn bị nguồn nhân sự đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới.