DetailController

Trồng trọt

Hiệu quả từ việc giảm phát khí thải nhà kính từ lâm nghiệp

04/06/2024 16:46
Sau 1 năm triển khai Quyết định 1693/QĐ-BNN-KHCN về các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất, ngành Kiểm lâm tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động, cũng như lồng ghép việc thực hiện Quyết định vào các hoạt động quy hoạch, quản lý và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản đến các tầng lớp Nhân dân. Trong đó lồng ghép tuyên truyền nội dung về việc Phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Kết quả từ tháng 5/2023 đến nay, toàn lực lượng đã tuyên truyền được cho 418.010 lượt người nghe. Thông qua việc tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, ngành thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Lữ đoàn 72 Binh chủng Công binh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động của Dân quân tự vệ, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng và phòng, chống cháy rừng. Đến nay đã phát hiện và xử lý 38 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định của pháp luật, có tính răn đe, không xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên đã xây dựng các bản tin, dự báp cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng rà soát, chỉnh sửa, bổ sung 150 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, 27 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng; củng cố 1.257 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 7.660 người tham gia; tiếp tục duy trì, củng cố, tu sửa 118,98 km đường băng trắng cản lửa; bảo dưỡng và lắp đặt mới các bảng biển tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ chữa cháy sẵn sàng tham gia ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp với các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR, thường xuyên kiểm tra tại những điểm có nguy cơ cháy cao; kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng; nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh rừng sau khai thác và sử dụng lửa đúng quy trình kỹ thuật trong việc đốt dọn nương rẫy. Sau 1 năm triển khai Quyết định, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng tại các huyện Lạc Sơn, Đà Bắc, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình với tổng diện tích rừng bị cháy là 10,89 ha. Các đám cháy được phát hiện sớm, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ chữa cháy kịp thời do vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến rừng tự nhiên đảm bảo theo đúng quy định của Pháp luật.

          Thời gian qua, việc giải quyết tình trạng chồng lấn quy hoạch ba loại rừng, tranh chấp đất lâm nghiệp đang được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép rà soát, khắc phục tình trạng sai sót, chồng lấn các loại đất, trong đó có đất lâm nghiệp. Với những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái pháp luật. An ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 51,5 %.

Công tác phát triển rừng, phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được quan tâm và triển khai thường xuyên. Hằng năm toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt đôngk thiết thực hưởng ứng Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp lâm sinh trong các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng rừng mới, trồng lại rừng; chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng. Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả trồng rừng tập trung 8.635,82ha;  trồng rừng phòng hộ 119,31ha; trồng cây phân tán 841.082 cây các loại.

Nhằm nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên, ngành Kiểm lâm tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm phát huy các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang tham mưu xây dựng Dự án rà soát diện tích nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai ở tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân và các chủ rừng sử dụng giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng đưa vào trồng rừng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nuôi dưỡng tỉa thưa rừng. Đồng thời, ngành tăng cường quản lý tốt chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, gắn nâng cao chất lượng giống với năng suất rừng trồng. 100 %  vật liệu giống đưa vào sản xuất cây giống của tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được kiểm tra giám sát theo phân cấp quản lý. Đến nay, diện tích rừng đang có xu hướng chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2023, diện tích rừng trồng 123.145 ha. Trong đó, rừng trồng đã chuyển hóa thành rừng gỗ lớn 10.019 ha, năng suất rừng trồng từ năm 2020 trở về trước bình quân đạt 12 m3/ha/năm. Đến năm 2023 bình quân đạt 16 m3/ha/năm, tăng 4 m3/ha/năm, sản lượng gỗ bình quân năm 2023 là 80 m3/ha/chu kỳ 5 năm; giá trị thu được bình quân trên 1 ha tăng 1,33 lần so với năm 2020. Hiện nay, để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chú động liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Các sở, ngành của tỉnh cùng các huyện, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC, đến nay toàn tỉnh có khoảng trên 16.000 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC tập trung tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty BVN Hòa Bình. Bằng việc mở rộng diện tích rồng rừng gỗ lớn đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa của tỉnh có đời sống thu nhập còn nhiều khó khăn.

Các mô hình Nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất ngày càng được nhân rộng. Việc phát triển, nhân rộng các mô hình thông qua trồng bổ sung cây lâm nghiệp, cây gỗ để tăng hấp thụ các-bon và chống suy thoái đất. Các loài cây trồng được lựa chọn là các cây lâm sản ngoài gỗ, các loại cây đa mục đích, cây có giống, cây ăn quả; các loài dược liệu dưới tán rừng có giá trị cao để phát triển tại các khu vực đất dốc theo hướng nông lâm kết hợp. Việc áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả đã tăng cao chất lượng quản lý cây trồng dưới tán rừng, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất.

Để quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, ngành Kiểm lâm đã xây dựng và phê duyệt phương án quản lý theo quy định, tăng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. Tranh thủ nguồn vốn của các dự án, nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kinh phí cho các hoạt động về Quản lý rừng bền vững. Đồng thời khuyến khích nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế, kỹ thuật với các chủ rừng là hộ gia đình hay cộng đồng dân cư./.