DetailController

Văn hóa

Hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh

11/05/2020 00:00
Trong năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Hòa Bình đã phát triển khá đạt được những kết quả nhất định, chất lượng phong trào được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có nhiểu cải thiện, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh. Trong quá trình triển khai Phong trào đã phát huy được những hiệu quả xã hội tích cực như xây dựng nếp sống văn minh tại nông thôn và đô thị, xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã trở thành nhu cầu, nếp sống văn hóa không hể thiếu trong cộng đồng dân cư

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh ước đạt 9,05%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,36%. Trong năm có thêm 19 xã về đích, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới trong tỉnh là 82 xã. Kết quả đó cho thấy phong trào đã và đang trên đà phát triển đa dạng, phong phú, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch nhanh chóng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Kinh tế trang trại ngày càng phát triển làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Các hình thức, mô hình giúp đỡ nhau giảm nghèo bền vững được thực hiện đa dạng như cho vay vốn phát triển kinh tế, nuôi lợn nhựa giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…Các phong trào tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ phòng chống thiên tai”…được cán bộ và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống góp phần hình thành phát triển các nhu cầu, chuẩn mực văn hoá, nếp sống văn hóa thấm dần vào từng người, từng gia đình cộng đồng dân cư nhằm định hướng xây dựng tưởng chính trị lành mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân với phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp Pháp luật”, “Học tập, làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh”. Giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, trách nhiệm về bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tự nguyện chấp hành các quy định của quy ước, hương ước ở khu dân cư; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh nơi công sở, đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phong tục lạc hậu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phong trào còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong tham gia xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa xanh - sạch - đẹp - an toàn trong từng hộ gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, khu dân cư duy trì thực hiện tốt các phong trào thi đua gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, ăn sạch, ở sạch, uống sạch không để xảy ra dịch bệnh, các công trình vệ sinh được xây dựng kiên cố, đảm bảo tính khoa học. Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, bảo vệ nguồn nước cho cán bộ và nhân dân để mọi người hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng to lớn của môi trường với đời sống con người. Hàng năm các địa phương đều tổ chức phát động tết trồng cây được nhân dân đồng tình hưởng ứng; đường làng, ngõ xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Phong trào giúp nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nhằm khai thác phát triển kinh tế thông qua dịch vụ và du lịch.

Cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết chế văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là phong trào “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” đã từng bước làm thay đổi diện mạo tại cả nông thôn và thành thị. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 1.443 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, trên tổng số 1.482 khu dân cư, tuy nhiên theo báo cáo của các huyện, thành phố, vẫn còn 182 khu dân cư chưa có nhà văn hóa./.