DetailController

Khoa học - Môi trường

Hiệu qủa từ mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh

17/05/2012 00:00
Những năm gần đây mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh do Hội nông dân huyện Đà Bắc tổ chức đã được phát động sâu rộng tới nhiều xã như Tu Lý, Hào Lý Cao sơn. Bước đầu mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định, giúp bà con nhân dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm tối đa việc dùng phân hóa học và làm tăng năng suất cây trồng.
Mô hình phân hữu cơ vi sinh được nhiều nông dân lựa chọn để sản xuất nông nghiệp

 

Gia đình anh Triệu Văn Quấy - trưởng thôn xóm Mít, xã Tu Lý có 2.800mđất sản xuất nông nghiệp, hàng năm trên diện tích đất này anh đã gieo trồng ngô, và chủ yếu bón phân NPK và phân đạm, chi phí mỗi vụ hết 1triệu chỉ cho thu hoạch 1 tấn ngô. Sau khi tham gia lớp tập huấn do Hội nông dân huyện tổ chức anh Quấy đã là người đầu tiên trong xóm mạnh dạn tham gia mô hình làm phân hữu cơ vi sinh. Qua nhiều vụ thử nghiệm bón phân hữu cơ cho ngô anh thấy ngô phát triển tốt, cho năng suất cao hơn nhiều các vụ trước đồng thời lại giảm chi phí tiền phân đến một nửa, không chỉ có vậy tất cả những phụ phẩm từ nông nghiệp anh đều tận dụng đem ủ làm phân, nhận thấy hiệu quả từ phân hữu cơ vi sinh đem lại anh đã tuyên truyền, vận động nhiều bà con trong xóm làm theo, hiện xóm đã có trên 30 hộ tham gia mô hình. Chia sẻ với chúng tôi anh Anh Đặng Văn Quấycho biết: gia đình tôi dùng phân hữu cơ vi sinh bón được 4 vụ cho ngô, lúa và các loại cây trồng khác, kết quả đem lại năng suất cao và giảm 40% đến 50% việc dùng phân hóa học.
 
          Cũng giống như anh Quấy anh Triệu Văn Tư cùng xóm đã chọn mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, ban đầu khi chưa tin tưởng vào mô hình này anh Tư đã trồng một ruộng ngô, một nửa bón phân hóa học, nửa còn lại bón phân vi sinh trên diện tích đất 3.000m2 để so sánh. Kết quả thử nghiệm cho thấy trên riện tích sử dụng phân hóa học chi phí phân bón hết 700.000 đồng, nhưng đất khô và chỉ cho năng suất 8 tạ, ngược lại tại ruộng ngô đối ứng khi thu hoạch lá vẫn còn xanh, đất tơi xốp, năng suất đạt 1,1 tấn chi phí hết 150.000 đồng thấp hơn bón phân hóa học rất nhiều.
 
          Đến cánh đồng nhà anh Xa Kỳ Đông ở xóm Tình xã Tu Lý lúc này có đủ các loại rau củ quả, những luống rau xanh non như đứa trẻ bụ sữa, những giàn dưa chuột quả sai nặng chĩu, những quả cà chua sắp cho thu hoạch như đang tranh nhau chỗ đứng, tranh thủ lúc nghỉ tay anh Đông chia sẻ với chúng tôi: Trước đây khi chưa biết đến phương pháp ủ phân hữu cơ vi sinh gia đình tôi thường sử dụng phân hóa học để bón cho rau. Với diện tích 1.000m2 tôi đã đầu tư trồng đủ các loại rau, củ quả, mỗi năm trồng 4 lứa rau, đầu tư chăm sóc hết 3 triệu đồng sản lượng cho thu hoạch cả năm chỉ được 2 tấn. Tuy nhiên khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh một năm tiền phân chỉ mất 1 triệu đồng, nhưng sản lượng khi thu hoạch gấp 3 lần sử dụng phân hóa học, không chỉ có vậy khi sử dụng phân vi sinh độ ẩm của đất cao nên gia đình tôi mất ít công chăm sóc rất nhiều, sản phẩm làm ra được bà con tin tưởng nên không đủ để cung ứng cho thị trường.  
       Qua thực tế cho thấy mô hình phân vi sinh đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hơn thế nữa hiện nay giá cả phân bón ngày càng tăng cao, giờ có phân hữu cơ vi sinh bà con có thể chủ động được nguồn phân bón với cách làm đơn giản, chỉ trong thời gian 45 - 60 ngày là có phân cho sản xuất nông nghiệp, mà chi phí lại thấp chỉ mất 120 ngàn đồng cho 1,2 tấn phân. Không chỉ có vậy với những diện tích đất trồng cấy trên đồi cao có thể ủ phân ngay tại chỗ vừa đỡ mất công vận chuyển, tiết kiệm được chi phí. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Xa Tiến Bình - Chủ tịch hội nông dân xã Tu Lý cho biết: Mô hình phân hữu cơ vi sinh đã thu hút đông đảo bà con nhân dân, hiện toàn xã đã có gần 50 hộ tham gia mô hình, để mô hình này được phát triển và nhân rộng, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con làm phân vi sinh.

          Hiện nay việc sử dụng quá mức cần thiết các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trong canh tác nông nghiệp đã làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, rất nhiều nơi đất bị bạc màu, không có độ mùn, độ tơi xốp và dư lượng NPK do cây trồng không sử dụng hết đã làm ảnh hưởng đến chất lượng năng suất và cây trồng. Mô hình phân hữu cơ vi sinh đã góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm chi phí sản xuất, lại rất phù hợp với tập quán canh tác của bà con nhân dân, đây là mô hình cần được phát triển và nhân rộng đến toàn bộ các địa phương trong huyện