DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hiệu quả từ mô hình đơn nguyên sơ sinh

12/10/2012 00:00
Từ chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hòa Bình và quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) nhằm góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân. Trong 5 năm dự án UNFPA đã hỗ trợ thành lập được 5 đơn nguyên sơ sinh làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân non tháng được cứu sống ngày càng ra tăng.
Bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Lạc Thủy chăm sóc trẻ sơ sinh

Tỉnh Hòa Bình có 12 bệnh viện đa khoa, trước năm 2005, hệ thống chăm sóc và điều trị sơ sinh tại các bệnh viện trong tỉnh gần như bị ngỏ. bệnh viện Đa khoa lúc bấy giờ có khoa nhi, nhưng không có bác sỹ chuyên khoa tại đây chỉ chẩn đoán và điều trị được những bệnh thông thường ở trẻ em như: Tiêu chảy, viêm họng, viêm phổi…; chưa có phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, cán bộ chưa được đào tạo về chăm sóc và cấp cứu sơ sinh cơ bản. Những kỹ thuật đơn giản như đặt sonde dạ dày cho ăn, đặt đường truyền tĩnh mạch, thậm chí tính liều ôxy cho trẻ, liều thuốc, dịch truyền cũng rất lúng túng và phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, không chỉ gây quá tải cho tuyến trên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của trẻ. Những trường hợp gia đình không có điều kiện chuyển tuyến, sẽ được đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu, nằm chung với bệnh nhân khác, khả năng lây nhiễm chéo từ người khác sang, làm nặng thêm tình trạng bệnh hoặc tử vong là khó tránh khỏi. Đối với các bệnh viện tuyến huyện tất cả các trường hợp trẻ sơ sinh sinh non, vàng da, viêm phổi… sinh tại bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã đều phải chuyển lên tuyến Trung ương (do bệnh viện Đa khoa tỉnh không có khả năng hỗ trợ về chuyên môn và cũng không tiếp nhận trẻ để điều trị). Rất nhiều trường hợp trẻ tử vong trên đường vận chuyển do đường xa và cán bộ thiếu kiến thức, kỹ năng chuyển viện an toàn cho trẻ sơ sinh.

Trước thực trạng đó, năm 2005 dự án UNFPA đã hỗ trợ thành lập 5 đơn nguyên sơ sinh tại tỉnh Hòa bình. Chỉ sau 5 năm can thiệp, đơn nguyên sơ sinh bệnh viện tỉnh Hòa bình đã lớn mạnh, với đội ngũ thầy thuốc được đào tạo và trang thiết bị tương đối hiện đại và đồng bộ. Từ năm 2006, hàng năm đơn nguyên sơ sinh bệnh viện tỉnh đã điều trị cho khoảng 700 trường hợp, trong đó 65-70% số đó là trẻ nhẹ cân, non tháng.

Bác sỹ Trương Quý Dương – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: Đơn nguyên sơ sinh của bệnh viện được nâng cấp và thực hiện được rất nhiều kỹ thuật mà trước đây phải chuyển tuyến như chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, đặc biệt có trường hợp chỉ nặng 800g. Bơm Newfactan trong điều trị dự phòng hội chứng màng trong trẻ sơ sinh, thực hiện thành công thay máu trong điều trị vàng da, chẩn đoán và điều trị sớm vàng da cho trẻ sơ sinh, điều trị suy hô hấp như thở CPAP, thở máy, áp dụng phương pháp nuôi trẻ non tháng bằng phương pháp Kangaroo và nhiều thành tựu khác…

Từ năm 2008 mô hình đơn nguyên sơ sinh đã được triển khai tại 4 bệnh viện Đa Khoa của các huyện Mai Châu, Lạc Thủy, Kim bôi, Tân Lạc. Các đơn nguyên sơ sinh dều được cung cấp các trang thiết bị đảm bảo cho công tác chăm sóc và hồi sức như lồng ấp, đèn chiếu vàng da, giường sưởi ấm sơ sinh, máy hút, máy thở CPAP… Cả 4 bệnh viện đều có đội ngũ cán bộ trẻ, yêu nghề, có trách nhiệm chăm sóc và điều trị thành công nhiều trường hợp trước đây phải chuyển tuyến. Hầu hết những trẻ có trọng lượng từ 1500gr trở lên đã được điều trị thành công. Trung bình mỗi tháng đơn nguyên sơ sinh bệnh viện huyện chăm sóc và điều trị cho 12-15 trẻ sơ sinh, tạo niềm tin cho sản phụ và nhân dân trên địa bàn huyện.

Chị Lò Thị Chiên xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu có con sinh non thiếu tháng chia sẻ: Tôi sinh cháu ở bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu khi sinh cháu chỉ được 1,2 kg, người cháu còn nhiều lông tơ, cháu bé và rất yếu. Cháu đã được điều trị trong lồng ấp 17 ngày tại bệnh viện. Hiện cháu rất khỏe mạnh, khi 15 tháng tuổi cháu được 9kg. Tôi hài lòng với sự phục vụ nhiệt tình và sự quan tâm chu đáo của các bác sỹ tại bệnh viện.

Bác sỹ Phạm Văn Cường giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Mai Châu cho biết: Việc triển khai mô hình ĐNSS tại bệnh viện là mơ ước ao đời nay của các thế hệ bác sỹ tại bệnh viện. Trước đây nhìn thấy những bà mẹ có con nhẹ cân, non tháng, những trẻ sơ sinh có khả năng sống được nhưng vì điều kiện mà không thể nuôi được chúng tôi rất đau lòng. Việc chuyển tuyến tỉnh hay tuyến trung ương trong điều kiện đường xá xa xôi, có rất nhiều tình huống xảy ra có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đồng thời việc chuyển tuyến cũng là một gánh nặng kinh tế cho người bệnh. Từ sự hỗ trợ của dự án UNFPA đến nay ĐNSS của bệnh viện đã hoạt động hết sức hiệu quả, các trường hợp sơ sinh trước đây phải chuyển lên tuyến trên nay đã có thể điều trị và theo dõi tại bệnh viện, những trường hợp trẻ sơ sinh non tháng, vàng da đều đã được điều trị thành công gần như không có trường hợp nào phải chuyển tuyến.

Mô hình đơn nguyên sơ sinh đã góp phần làm giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến trên. Năm 2007, bệnh viện tỉnh tiếp nhận trên 400 trường hợp từ các huyện chuyển tuyến, trong đó khoảng 65% là sơ sinh nhẹ cân, non tháng, đến năm 2010 giảm còn 268 trường hợp.