Là một huyện thuần nông, nhưng những năm qua Cao Phong đã có bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế bằng việc tạo đà cho các loại cây trồng có thế mạnh như cam và mía phát triển. Và thực tế, cây cam Cao Phong đã và đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường bằng chất lượng sản phẩm.
Cam Cao Phong đã có mặt trên địa bàn huyện vài chục năm nay. Cam Cao Phong được người dân biết đến với vị ngọt riêng của mình với tép mọng nước, mẫu mã đẹp. Sau một thời gian phát triển, cây cam trên địa bàn đã trở thành một loại cây trồng không chỉ giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Có thể nói, do có trình độ thâm canh cam từ những năm 1960. Sau khi huyện Cao Phong tách ra từ huyện Kỳ Sơn thì lãnh đạo huyện và nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện việc nâng cao trình độ thâm canh với cây cam và một số loại cây trồng mũi nhọn khác. Trong đó, cây cam được xác định là một trong hai loại cây trồng mũi nhọn, là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu và là mục tiêu chính để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2005-2010 cũng như các giai đoạn tiếp theo, nhằm hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa. Ngoài việc đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực ở một số địa phương thì thời gian qua, huyện Cao Phong cũng đã dành ngân sách nhằm khuyến khích các hộ trồng cam, nhất là những vùng lân cận với thị trấn để tiếp cận với khoa học công nghệ.
Điều đáng nói là hiện nay ở Cao Phong đã bắt đầu manh nha mô hình liên kết trồng cam. Theo đó những người có vốn, khoa học kỹ thuật liên kết với người nông dân có đất sản xuất để trồng cam khi đến kỳ thu hoạch mỗi bên được chia đôi là 50/50. Người đi tiên phong trong mô hình đó là anh Nguyễn Văn Phúc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Theo anh Phúc muốn xây dựng nông thôn mới thành công cũng cần tạo ra một động lực cho nông dân. Nhưng động lực ấy là gì. Tạo động lực bằng cách nào. Hay lại đầu tư cho dân sản xuất bằng những dự án. Trước những đòi hỏi thực tế, anh đã nảy sinh ra mô hình “tư nhân hợp tác đầu tư để cùng phát triển” trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã ra đời. Đây là kế thừa những thành công của khoán 10 và là bước đột phá tiếp theo của giai đoạn mới. Bước đầu mô hình này đã phát huy một phần hiệu quả của nó và nó được nông dân đón nhận và nhìn nhận một cách tích cực. Trong những năm tiếp theo, hy vọng mô hình này sẽ được xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn và được áp dụng rộng rãi tại các địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Anh Phúc đã hiện thực ý tưởng bằng việc việc chọn những người nông dân dám nghĩ, dám làm mong muốn làm giàu, thuyết phục họ bằng hiệu quả thực tế. Từ mô hình hợp tác này, cả huyện Cao Phong đã phát triển được hơn 10 ha cây cam hàng hóa. Cao Phong đã bắt đầu xuất hiện phong trào những cán bộ có điều kiện tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, có đầu óc tổ chức, hạch toán kinh tế bắt tay với nông dân có đất để trồng cam. Sự hợp tác chính đáng này đã mang lại hiệu quả làm chuyển biến căn bản tư duy về sản xuất hàng hóa của người nông dân trong huyện. Đó là tận dụng được đất đai, nguồn lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để trồng cây có giá trị hàng hóa cao. Về kinh tế, giá trị cây cam đã được thực tế chứng minh thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, nơi năng suất cao thu hàng tỷ đồng.
Không những vậy đây còn là mô hình này hứa hẹn khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương như đất đai, khí hậu, lao động, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật...để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp đặc sản là thế mạnh của địa phương. Đồng thời cũng làm ra nhiều sản phẩm cho gia đình và xã hội, tiến tới giảm nhập khẩu hàng hóa nông sản. Mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân và nhà đầu tư. Mặt khác sẽ giải quyết được một phần bài toán về phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Tạo đòn bẩy tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp vùng. Từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh- nền kinh tế phát triển bền vững, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Có thể thấy, đây cũng là sân chơi cho nhiều thành phần kinh tế trong xã hội. Tạo nên sự gắn kết kinh tế trong cộng đồng. Huy động được nguồn vốn nhàn rỗi từ các thành phần kinh tế. Tạo được môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng các công trình nghiên cứu của họ vào thực tế. Từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân vùng nông thôn từ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung. Tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, nhất là khu vực vùng đồi núi, vùng khó khăn. Ngăn chặn được tình trạng người dân bán đất, bán rừng rồi lại làm thuê kiếm sống không ổn định trên chính mảnh đất mình từng sở hữu, mà giúp họ làm giàu bền vững ngay trên quê hương của họ. Từng bước giúp người dân tiếp cận dần với sản xuất nông nghiệp hiện đại, biết áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất thay cho tập quán canh tác lạc hậu. Tạo điều kiện để mỗi người dân phát huy được tính sáng tạo trong lao động. Phát huy được trách nhiệm, nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình. Dần từ bỏ tư duy kiểu dự án mà phát huy nội lực của chính mình. Ngoài ra, mô hình này còn có khả năng về phủ xanh đất trống đồi dốc, tạo độ che phủ tốt. Đảm bảo yếu tố về môi trường xanh, sạch, đẹp vì tuyệt đối không dùng hóa chất độc hại để sản xuất. Từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn (diện tích) đều thực hiện hợp tác được. Các thành phần kinh tế trong xã hội đều tham gia và đều bình đẳng trước pháp luật.