DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hiệu quả từ dự án “phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện ”

11/10/2012 00:00
Năm 2011, Hòa Bình là một trong số 11 tỉnh được chọn để tiếp tục triển khai dự án “Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện” thuộc quỹ Fred Hollows (FHF) tại Việt Nam giai đoạn từ 2012 – 2015 với tổng kinh phí là hơn 5,4 tỷ đồng. Dự án đã góp phần đáng kể trong công tác phòng chống mù lòa, cải thiện tích cực mạng lưới chuyên khoa mắt trong tỉnh.
Bác sĩ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh thực hiện đo thị lực mắt cho người bệnh

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, chỉ tính riêng bệnh nhân mù do đục thuỷ tinh thể trong toàn tỉnh chiếm khoảng 4.500 – 5.000 người. Nhưng trong khoảng 10 năm gần đây, số người được mổ chỉ khoảng 300 – 500 ca. Như vậy, số người mù và thị lực kém do đục thuỷ tinh thể ở cộng đồng còn rất lớn. Ngoài ra, số người mù do các nguyên nhân khác ngày càng nhiều như glôcôm, chấn thương, biến chứng quặm, bệnh võng mạc tiểu đường… Đặc biệt, tật khúc xạ học đường tại Hòa Bình đang ở mức cao từ 8 - 20%, ước tính toàn tỉnh có khoảng 30.000 học sinh từ 6 -15 tuổi mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, 2/3 trong số đó bị cận thị và con số này không ngừng tăng theo hàng năm.

 Được biết, từ khi có sự đầu tư, hỗ trợ của dự án “Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện”, mạng lưới phòng chống mù loà trong toàn thỉnh được củng cố, phòng làm việc, phòng mổ của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh được cải tạo và đầu tư máy moc, trang thiết bị phục vụ công tác khám và phẫu thuật các bệnh về mắt. Ngoài ra, Dự án còn đào tạo bác sĩ chuyên khoa mắt tuyến tỉnh có khả năng mổ đục thủy tinh thể độc lập tại tỉnh, bác sĩ mắt tuyến huyện được đào tạo để khám và điều trị, chăm sóc mắt, cán bộ y tế xã được tập huấn kỹ năng cơ bản về chăm sóc mắt ban đầu, kỹ năng xác định bệnh mắt và chuyển bệnh. Do đó, người dân trong tỉnh được chăm sóc bởi các dịch vụ y tế chất lượng cao, số lượng người mù và thị lực thấp do đục thuỷ tinh thể được mổ bằng phương pháp phaco và thay thuỷ tinh thể nhân tạo ngày càng nhiều.

tính riêng 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã mổ được khoảng 900 ca đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp phaco, cao gấp 3 lần những năm trước đó. Ngoài ra, từ sự đầu tư của dự án, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc tật khúc xạ và cấp kính miễm phí cho học sinh nghèo của 17 trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Bác sĩ Kiều Đình Vì – Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: Ngoài những bệnh nhân mù và nghèo được hưởng lợi, dự án đã cải thiện tích cực cho cả hệ thống chăm sóc mắt trong toàn tỉnh. Cán bộ chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện và xã đều được tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn. Dự án còn cung cấp các trang thiết bị tài liệu truyền thông phục vụ công tác truyền thông chăm sóc mắt tại cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án cũng đã làm thay đổi những nhận thức cơ bản của các cấp lãnh đạo trong việc vận động chính sách, quy hoạch, xây dựng và phát triển chuyên ngành mắt trong hệ thống y tế của tỉnh.

Có thể nói mù lòa đang là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, là thách thức không chỉ với những người đang làm công tác chăm sóc mắt mà còn là vật cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải có những chiến lược lâu dài, xác định được những ưu tiên, những kế hoạch cụ thể nhằm giảm tỷ lệ mù lòa, hướng tới mục tiêu kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh được vào năm 2020 mà Bộ Y tế đã cam kết cùng Tổ chức Y tế thế giới.