Để chỉ đạo việc thực hiện sát sao Chỉ thị 13-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, gồm 6 Chương trình cụ thể: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác phát triển rừng, tổ chức rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và kiểm soát các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến rừng; xây dựng thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án trọng điểm gắn với mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác, hội nhập quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đồng thời, phân công nhiệm vụ chi tiết đến Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp được kiện toàn từ tỉnh tới cơ sở.
Đảng bộ, chi bộ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, và mọi tầng lớp nhân dân, các chủ rừng về nội dung, tinh thần Chỉ thị số 13; khẳng định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gồm các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mà trước hết là chủ rừng. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 1.170 hội nghị với 182.676 người tham gia; 452 lớp tập huấn với 11.541 người tham gia; 99 lần tuyên truyền trên truyền hình tỉnh, huyện.
Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; tập trung chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, các khu bảo tồn thiên nhiên trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời phối hợp với các đơn vi lực lượng vũ trang xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp. Từ năm 2017 đến nay, cấp tỉnh đã thực hiện 5 đợt kiểm tra với tất cả 10 đơn vị cấp huyện; 30 đơn vị cấp xã; 10/10 huyện, thành phố đã thực hiện kiểm tra liên ngành đối với cấp xã được 151/151 xã, phường, thị trấn. Qua quá trình kiểm tra cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp năm sau giảm so với năm trước. Cụ thể, năm 2017 phát hiện và xử lý 80 vụ, năm 2022 phát hiện và xử lý 35 vụ. Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định.
Công tác phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cấp dự báo cháy rừng, bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Lực lượng Kiểm lâm cấp huyện đã hướng dẫn các chủ rừng xây dựng, rà soát, chỉnh sửa, bổ xung 150 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, 27 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng là tổ chức và 12.361 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng, củng cố 1.835 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản với 11.268 người tham gia. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng chính sửa, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Từ năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm theo hướng giảm đầu mối, đảm bảo tinh gọn. sau khi sắp xếp, Chi cục Kiểm lâm còn 4 phòng nghiệp vụ (giảm 1 phòng); 1 Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng; 10 hạt Kiểm lâm cấp huyện (giảm 1 Hạt Kiểm lâm cấp huyện) và 4 Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên. Việc sắp xếp lại tổ chức gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Chi cục Kiểm lâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, an ninh rừng trên địa bàn tỉnh được giữ vững, độ che phủ của rừng được duy trì ổn định từ 51% trở lên.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Các vụ phá rừng với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng không còn xảy ra; số vụ vi phạm luật về lâm nghiệp giảm mạnh; cháy rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra, độ che phủ của rừng được duy trì ổn định./.