
Tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh hiện có 654 tổ chức kinh tế tập thể đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh ổn định, gồm 465 hợp tác xã, 3 Quỹ tín dụng nhân dân, 186 tổ hợp tác. Các chương trình, đề án kinh tế tập thể, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, đáp ứng tốt các nhu cầu của thành viên, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, để hướng đến liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình và vẫn đảm bảo tính chủ động của kinh tế hộ gia đình; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay năng lực, tay nghề của người lao động và trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế; phần lớn các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng. Do đó, Ban Dân tộc đã tham mưu phê duyệt phân bổ 2 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện nội dung đào tạo nghề, tuyên truyền hướng nghiệp cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; 600 triệu đồng để xây dựng trang thông tin,tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng thương mại, cập nhật thông tin cho các hợp tác xã và người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, giao Liên minh HTX tỉnh triển khai thực hiện. Các cấp Hội Nông dân tổ chức được 89 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 5.757 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề và phối hợp khai giảng 35 lớp nghề về nấu ăn, nghề hàn, trồng rau an toàn... cho 1.101 hội viên nông dân, trong đó có các thành viên HTX, THT. Sở Công Thương tổ chức huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ An toàn điện cho các thợ điện làm việc tại các HTX kinh doanh điện. Thông qua lồng nghép tại các Hội nghị chuyên ngành do Sở và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức, tỉnh đã kết nối cung cầu cho các HTX nông nghiệp sản xuất quy mô lớn với các nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp hình thành các vùng nguyên liệu liên kết chuỗi cung ứng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Việc tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được triển khai kịp thời, có sự lồng ghép từ các chương trình, dự án. Đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển họp tác xã tỉnh thực hiện cho 13 khách hàng là hợp tác xã và thành viên hợp tác xã vay 7,79 tỷ đồng. Lũy kế doanh số cho vay đạt 13,61 tỷ đồng. Đa số, hợp tác xã và các thành viên sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng quy định. 6 tháng đầu năm, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn mới trên 7 tỷ đồng, nâng tổng vốn lũy kế lên trên 52 tỷ đồng cho 198 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và gần 1.600 lượt hội viên nông dân. Từ nguồn ủy thác ngân hàng cho hội viên nông dân vay vốn, đến nay, tổng dư nợ đạt gần 3,8 tỷ đồng. Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, dư nợ cho vay của Ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với hợp tác xã trên địa bàn đến 30//6/2023 ước đạt 31,58 tỷ đồng.
Đến nay, các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, tuần lễ giới thiệu các mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến tại các tỉnh thành trong cả nước. Sở Công Thương đã hỗ trợ 40 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xin sử dụng địa danh và phê duyệt bản đồ khoanh vùng sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm mang nhãn hiệu cho các sản phẩm của địa phương gồm: “Gà đen Pà Cò, Hang Kia – Mai Châu”; “Lạc Yên Thủy”; “Rượu cần Lương Sơn”. Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, Công ty Viettel quản lý 3.257 sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và voso.vn; tổ chức khai trương cửa hàng nông sản an toàn tại phường Quỳnh Lâm TP Hoà Bình và tiếp tục duy trì 7 cửa hàng tại các huyện, thành phố để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm an toàn, VietGap, hữu cơ, OCOP cho nông dân. Hiện Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức đoàn công tác kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm tỉnh tại tỉnh Quảng Ninh; phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Moongtea - thành phố Hà Nội triển khai thực hiện chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho các Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình để giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của tỉnh; tổ chức 10 hội nghi xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các ngành hàng nông sản chủ lực và có thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức, cá nhân cho 15 đề tài bắt đầu thực hiện năm 2023. Trong đó có 3 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh như: Nhãn hiệu tập thể chè Trung Thành cho sản phẩm chè của xã Trung Thành, huyện Đà Bắc; phát triển nguồn gen cây Gù hương lấy gỗ lớn và tinh dầu; đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai, hướng dẫn các địa phương đăng ký áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chứng nhận VietGAP cho các hợp tác xã nông nghiệp; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. cấp mã số vùng trồng nội địa cho 10 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác (tại các huyện Tân Lạc, Mai Châu, Yên Thủy, Lương Sơn) và mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho 4 hợp tác xã tại huyện Lương Sơn và Yên Thủy./.