Thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân đóng trên địa bàn.
Từ năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác ATVSLĐ hàng năm gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị; thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động; bố trí cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh lao động; xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành an toàn từng loại máy, thiết bị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động như: Khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thực hiện trợ cấp hoặc bồi thường tai nạn lao động cho người lao động đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó đã làm giảm các vụ tai nạn lao đông, bệnh nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2014-2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra 117 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), 207 người bị nạn. Trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 11 vụ TNLĐ. Toàn tỉnh có 49 người bị mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) và đã được giải quyết hưởng chế độ.
Để thực hiện có hiệu quả công tác ATVSLĐ, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ, Đảng viên và Nhân dân với các hình thức và nội dung đa dạng. Trong 10 năm, tỉnh đã xây dựng được 278 phóng sự và 2.637 tin, bài về công tác ATVSLĐ -PCCC trên báo Hòa Bình và Đài PT-TH tỉnh; tổ chức trên 300 buổi tọa đàm; phát 50.116 tờ rơi, tranh áp phích, tranh ảnh cổ động; treo 2.432 băng zôn, khẩu hiệu; phát miễn phí hơn 9.050 bộ tài liệu, sổ tay, sách tuyên truyền về công tác ATVSLĐ-PCCN. Tổ chức huấn luyện cho 64.610 lượt người lao động. Huấn luyện công tác ATVSLĐ cho 3.357 lượt người sử dụng lao động và người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tập trung tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các ngành, các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ.
Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu để ứng dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp trong việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động. Hằng năm Liên đoàn lao động tỉnh đã triển khai văn bản phát động công nhân, viên chức, người lao động hưởng ứng cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh tổ chức và có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp. Để tăng cường công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, công tác giám sát nhanh môi trường lao động, Sở Y tế tỉnh đã trang bị thêm 01 máy X-Quang di động chụp bệnh phổi nghề nghiệp, 01 máy đo chức năng hô hấp và 01 máy siêu âm. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng quan tâm và chú trọng đến công tác ATVSLĐ, đầu tư các máy, thiết bị tăng cường các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, như: Lắp đặt các thiết bị thông gió, các thiết bị làm mát, các thiết bị thu hút bụi, thiết bị chiếu sáng, thiết bị chống nóng, chống ồn, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; lắp đặt và trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động trong khi làm việc.
Việc phối hợp triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động giữa các cấp, các ngành chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều hoạt động được triển khai như: Thực hiện tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; tổ chức các tổ công tác liên ngành, kiểm tra rà soát về thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, an toàn và môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Thông qua các hoạt động đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật lao động, ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh. Kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và giám sát các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN. Đồng thời phát hiện các vi phạm về ATVSLĐ, ngăn ngừa hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh
Những kết quả trong công tác ATVSLĐ cho thấy năng lực mạng lưới làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được cải thiện rõ rệt; từng bước kiềm chế sự gia tăng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.