Giai đoạn 2021 – 2025, các chương trình MTQG về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp gồm có: Tiểu dự án 1, Dự án 4 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn hành cho đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp; Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; Các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân có liên quan. Mục tiêu là phát triển GDNN cả về quy mô và chất lượng đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiểu dự án 3, Dự án 5: Phát triển GDNN cho người lao động vùng DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Mục tiêu là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào (DTTS&MN; Hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ việc làm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS&MN tốt nghiệp đại học, GDNN tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng.
Ngoài ra còn có triển khai các hoạt động theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó yêu cầu: “Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường”.
Thực hiện 03 Chương trình MTQG về GDNN, UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành chuyên môn là Thường trực của 03 Chương trình MTQG, cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan Thường trực Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn là cơ quan Thường trựcChương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các cơ quan Thường trực đã tham mưu UBND cấp tỉnh phê duyệt và giao kinh phí cho các Sở, ngành, UBND các huyện thành phố theo từng dự án, tiểu dự án để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó, tổng số nguồn vốn Chương trình MTGQ Giảm nghèo bền vững được phân bổ thực hiện giai đoạn 2022-2023 là 64.351 triệu đồng, trong đó nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương là 51.129 triệu đồng, ngân sách địa phương 400 triệu đồng. Năm 2024, phê duyệt lần 1 theo Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là 2.500 triệu đồng. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, kết quả giải ngân năm 2022 là 4.185 triệu đồng, tỷ lệ 27%. Năm 2023 giải ngân 26.748 triệu đồng, tỷ lệ 69%. Năm 2024, kết quả giải ngân đến 31/3/2024 là 10.580 triệu đồng, tỷ lệ 28%. Trong Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, tổng số nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2022 là 600 triệu đồng, trong đó năm 2021 là 400 triệu đồng; năm 2022 là 200 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách cho vùng đồng bào DTTS & MN trong lĩnh vực GDNN đã tạo được sự chuyển biến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về vai trò, ý nghĩa của GDNN trong xu thế phát triển hiện nay của địa phương cũng như của toàn xã hội, đặc biệt là cần một đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ sở vật chất của các cơ sở GDNN không ngừng được đầu tư, nâng cấp đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo cho lực lượng lao động trẻ hướng tới đạt được trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, ứng dụng được những thành tựu khoa học tiên tiến, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở GDNN ngày càng trẻ hóa, có ưu thế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, theo kịp xu hướng phát triển của xã hội.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững khẳng định phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối tượng trọng tâm trong Chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; các dự án, hoạt động của Chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý điều hành làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo quy định. Các nghề đào tạo đã được học viên áp dụng vào sản xuất tại địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho hộ gia đình./.