DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hiệu quả từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II

16/04/2021 00:00
Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình) được Hội Nông dân tỉnh triển khai từ năm 2019 tại 3 xã: Tử Nê, Đông Lai (Tân lạc) và An Bình (Lạc Thủy). Bằng các hoạt động cụ thể, sau 2 năm triểu khai, Chương trình đã từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Qua đó, đã từng bước làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Hải Đăng chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà cho các thành viên hợp tác xã Chà Mạy.

Khi bắt đầu triển khai Chương trình, các đơn vị phối hợp đã tiến hành khảo sát thực trạng sản xuất, kinh doanh tại 3 xã. Thu hút 106 thành viên tham gia, trong đó có phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng nòng cốt phản ánh tiếng nói của người sản xuất rừng và trang trại tới Chương trình và hỗ trợ phổ biến chính sách tới nhân dân.

Trong quá trình thực hiện, Hội nông dân các cấp đã thành lập nhóm “Thúc đẩy viên” gồm 6 thành viên, sẽ hỗ trợ các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã trong hoạt động tiếp thị, tìm kiếm thông tin và triển khai các hoạt động ở cơ sở. Nhiều các sản phẩm đã được quảng bá, giới thiệu, trương bày tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, như: Hội chợ nông nghiệp, triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du và miền núi phía Bắc; hội chợ, triển lãm AgroViet lần thứ 20 tại Hà Nội. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, đa dạng chủ đề để thành viên được tiếp cận. Trong đó, cử 78 lượt cán bộ Hội và các thành viên chủ chốt của tổ nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia 9 khóa đào tạo do Trung ương hội tổ chức về kỹ năng thúc đẩy, phân tích thị trường và phát triển kinh doanh; 3 lớp tập huấn, xây dựng mô hình trồng cây gỗ lớn, trồng bưởi hữu cơ, nuôi ông dưới tán rừng, nâng cao nhận thức về sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho 110 cán bộ, hội viên của 3 xã tham gia chương trình.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình, nhiều cuộc thảo luận, hội nghị bàn tròn được tổ chức xoay quanh các nội dung trong tâm trọng điểm. Từ đó, các bên liên quan đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, việc tiếp cận các dịch vụ văn hóa xã hội được cải thiện bình đẳng. Trên website của Hội Nông dân tỉnh đã có chuyên trang để cung cấp thông tin chính sách, kiến thức, giá cả, tin tức nông, lâm nghiệp và các hoạt động của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II. Công tác giải ngân quỹ hỗ trợ người nông dân cho hợp tác xã, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm được quan tâm triển khai thường xuyên. Với sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời, thành viên đã thêm động lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nâng cao năng suất và chất lượng.

Đến nay, Chương trình đã đồng hành, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trồng bưởi hữu cơ, trồng cây gỗ lớn, nuôi ong dưới tán, nuôi gà thả đồi và trồng nấm theo hướng hữu cơ an toàn; hỗ trợ thành lập thêm hợp tác xã. Hiện có 20 hộ tại xã Tử Nê tham gia mô hình nuôi ong hữu cơ, phát triển lên 600 đàn, mỗi năm thu 4.800 lít mật ong, doanh thu đạt 865 triệu đồng. Xây dựng các Câu lạc bộ làm giàu từ rừng và cảnh quan rừng nhằm phát huy các giá trị văn hóa, xã hội của địa phương tại xã An Bình và Đông Lai. Ngoài ra, xã An Bình đã nghiên cứu và tự sản xuất gà giống, cám chăn nuôi; mô hình sản xuất trồng nấm sò đang mở rộng quy mô sản xuất và phát triển nhiều kênh tiêu thụ tại Hà Nội, Ninh Bình, các tỉnh lân cận. Ngày 1/12/2020, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng và Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp An Sinh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Những thành quả đã đạt được tuy còn nhỏ bé, song sẽ là động lực để người nông dân tiếp tục phấn đấu trong thời gian tiếp theo./.