DetailController

Quốc phòng - An ninh

Hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

28/11/2022 00:00
Trong 12 năm qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về việc phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với doanh nghiệp, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm theo hướng không chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với 35.358 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; xử phạt 1.588 cơ sở vi phạm.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và công tác phối hợp trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Chú trọng vào các nhóm sản phẩm thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật; xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi; treo băng rôn, khẩu hiệu… Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cũng tham gia ký các quy chế phối hợp trong các hoạt động liên quan đến công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan cấp trên, các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai nhiệm vụ thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn những vi phạm do hàng hóa không đảm bảo chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. 

Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với 35.358 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tiến hành xử phạt 1.588 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với tổng số tiền phạt là 24,7 tỷ đồng. Tiêu hủy số hàng hóa vi phạm quy định về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng giá trị 8,9 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý phân cấp, phân quyền và tăng cường phối hợp trong những dịp cao điểm; công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Một số doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra xử lý đối với hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; tinh thần tự giác của người dân trong tố giác các hành vi vi phạm còn hạn chế; lực lượng chức năng thực hiện còn mỏng so với địa bàn tương đối rộng và phức tạp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực còn chưa bắt kịp với sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm trong thực tiễn.

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, tỉnh để nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung một số nội dung quy định về cơ chế kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, ban hành các các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia đối với các nhóm sản phẩm hàng hóa có liên quan đến thực phẩm, quy định chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương các cấp trong việc phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho các cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này./.