DetailController

Tin từ các đơn vị

Hiệu quả triển khai Dự án ESDS tại Bản Sưng, huyện Đà Bắc

14/02/2023 00:00
Bản Sưng, thuộc xã Cao Sơn huyện Đà Bắc nằm cách Trung tâm huyện 22km. Bản có lịch sử hơn 500 năm và hiện là nơi sinh sống của 349 người dân tộc Dao Tiền. Cách Hà Nội khoảng 100 km, nép mình bên núi Biều, tại đây, người dân sống dưới các căn nhà trệt, mái lợp bằng lá cọ. Đến bản Sưng, khách tham quan được trải nghiệm một cuộc sống nguyên sơ, bản làng xinh đẹp, khám phá hang động, hít hà bầu không khí thanh lành, tránh xa âm thanh náo nhiệt của thành phố.
Thử trang phục dân tộc của người Dao Tiền

Những ngày đầu tháng 02 vửa qua, nhóm các cựu sinh viên Australia tổ chức Chương trình trải nghiệm cộng đồng, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tự vững của mô hình du lịch cộng đồng Bản Sưng, huyện Đà Bắc, sau đại dịch COVID-19" (ESDS). Trong chương trình, du khách được hòa mình vào cuộc sống an lành, yên tĩnh của người dân địa phương. Đặc biệt, lịch trình bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Nhuộm Chàm, in sáp ong, làm giấy dó, tắm lá thảo dược, thưởng thức văn nghệ của người dân tộc Dao Tiền...

Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2017. Sau hai năm hoạt động, 50/75 hộ gia đình trong xóm đã tham gia vào các dịch vụ như: Lưu trú và ăn uống, hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ, thổ cẩm..., thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm như hoạt động hấp dẫn ở bản Sưng như in sáp ong...

Trải nghiệm nhuộm màu quần áo.

Dự án ESDS nhận tài trợ của Chính phủ Australia, thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý từ tháng 3 năm 2022. Dự án hướng đến mục tiêu duy trì và phát huy các nghề truyền thống, là một phần của mô hình du lịch cộng đồng bản Sưng trong “điều kiện bình thường mới”.

Sau 12 tháng triển khai, bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng nhóm, công bố các kết quả đầu ra của dự án: Hơn 80 người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, 1 tổ nông nghiệp được phát triển, ngoài kế hoạch của dự án, gần 60 phụ nữ được tập huấn nâng cao năng lực tự vững, 15 khóa tập huấn đã được triển khai trong vòng 6 tháng (tháng 5 - tháng 11.2022). Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần khôi phục, lưu giữ được nghề làm giấy dó truyền thống, và đa dạng hóa các sản phẩm được phát triển đối với nhóm thổ cẩm và dược liệu. Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng được hưởng lợi chính với 75.54% số lượt tham gia tất cả các loại hình tập huấn.