DetailController

Giáo dục

Hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” của Chính phủ

21/03/2016 00:00
Hiện nay, số cộng đồng khuyến học trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể. Cụ thể: Số khu dân cư, cơ quan, đơn vị đăng ký trở thành cộng đồng khuyến học năm 2007 mới có 31, được công nhận 18; đến nay đã lên tới hơn 1.700 và có hơn 1.200 được công nhận. Nhiều khu dân cư, cơ quan, trường học đã làm tốt công tác khuyến học, tập trung vào các việc như: Động viên, vận động học sinh trên địa bàn đi học, xây dựng Quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập...
100% các tổ dân phổ trên địa bàn thành phố đều xây dựng "Tủ sách pháp luật" tạo điều kiện cho người dân được học tập, tìm hiểu

 Sau 2 năm triển khai Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện đúng tiến độ, thu được kết quả cao, đáp ứng các yêu cầu đề ra.  Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh đạt được một số kết quả đáng khích lệ cả về quy mô đến số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trường lớp được chú trọng đầu tư, tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và kiên cố hóa hướng tới hiện đại hóa. Công tác thông tin tuyên truyền được đặc biệt chú trọng góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Việc điều tra, khảo sát thực tiễn, chỉ đạo điểm phù hợp tình hình thực tế.

Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thảo về mô hình gia đình nông dân phấn đấu đạt chuẩn Gia đình học tập. Phối hợp với UBND huyện Yên Thủy tổ chức hội thảo về mô hình dòng họ học tập. Phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình tổ chức hội thảo về mô hình cộng đồng học tập, đơn vị học tập để làm rõ về mô hình và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng mô hình học tập phù hợp với đặc điểm của tỉnh miền núi. Kết quả, trong 2 năm toàn tỉnh thực hiện thí điểm 1.607 mô hình gia đình học tập, tỷ lệ đạt chuẩn 94%, dòng họ học tập có 208/222, tỷ lệ đạt chuẩn 94%, cộng đồng học tập có 281/312, tỷ lệ đạt chuẩn 90% và đơn vị học tập có 185/185, tỷ lệ đạt chuẩn 100%.

Tuy nhiên, công tác đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng vẫn tồn tại một số hạn chế như: Chất lượng đào tạo tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa các vùng và các cấp học. Chất lượng giáo dục THCS ở một số xã vùng cao còn chuyển biến chậm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao còn nhiều khó khăn, hầu hết các trường vùng cao chưa có phòng học chức năng, phòng học bộ môn. Đội ngũ giáo viên chưa đủ theo quy định, có nơi còn chưa đồng bộ về cơ cấu...

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng kế hoạch và thí điểm mô hình. Tập trung chỉ đạo thí điểm các mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập” và nhân rộng mô hình. Tạo sự chuyển biến và sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Cùng với đó, cần phải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lương, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng và tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu./.