Nhờ thụ hưởng từ các chương trình, dự án và các nguồn vốn lồng ghép khác của huyện được triển khai trên địa bàn đã giúp bộ mặt của xã Thượng Cốc có nhiều khởi sắc về giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội. Song người dân vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của người dân tộc.
Xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và có 1 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhờ chính sách dân tộc đã giúp người dân trên địa bàn xã ổn định cuộc sống. Tại xóm Ốc có 214 hộ dân cùng sinh sống, người dân chủ yếu là dân tộc Mường. Trước kia đường chủ yếu là đường đất, nhỏ, khi mùa mưa đến đường lầy lội khó các hoạt động giao thương không thuận lợi, nông sản làm ra khó tiêu thụ nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn...
Năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với sự ủng hộ từ người dân bằng nhiều hình thức như góp công sức, hiến đất làm đường, xóm Ốc đã được đầu tư 2,5km đường giao thông nông thôn.
Ông Quách Mạnh Hùng, một người dân xóm Ốc chia sẻ: “Trước đây đường làng lầy lội, giờ được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường khang trang, sạch đẹp. Bà con vui mừng và phấn khởi vì từ nay đã có đường để giao lưu hàng hóa thuận lợi, các cháu đi học không vất vả”.
Cùng với đầu tư đường giao thông, xóm Ốc cũng được hỗ trợ nâng cấp 400 m đường kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và hỗ trợ 60 triệu đồng nâng cấp Nhà Văn hóa xóm. Bà Bùi Thị Sang - Trưởng xóm Ốc cho biết, “Khi được đầu tư nâng cấp đường giao thông, người dân xóm Ốc rất phấn khởi, vì vậy trong quá trình làm đường, các hộ sẵn sàng tham gia ngày công để đổ đường, có đường đời sống của người dân được nâng lên. Ngoài ra, xóm cũng được đầu tư nhà văn hóa mới khang trang hơn, có sân bóng rộng, thu hút người dân đến chơi thể thao”.
Từ các nguồn vốn Chương trình MTQG, xã Thượng Cốc đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế hiệu quả cho người dân, ông Bùi Văn Phục - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các chương trình MTQG nói chung và Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã tạo nguồn lực rất lớn giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong đó, thông qua các hoạt động hỗ trợ, người dân đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khoa học kỹ thuật để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.
Nhờ có những con đường bê tông hóa, đến nay người dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào nhiều loại cây trồng mới cho năng suất cao như ngô lai, trồng cây ăn quả và phát triển kinh tế rừng. Tính đến tháng 10/2023, thu nhập về trồng trọt trên địa bàn xã đạt 27 tỷ đồng, tổng thu nhập về chăn nuôi đạt 22 tỷ đồng, trồng rừng đạt 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ tiếp tục được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn xã mạng lưới kinh doanh mở rộng với 1 siêu thị, 1 HTX, chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và hoạt động ổn định phục vụ đa dạng nhu cầu củ người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến tháng 10 đạt 210 tỷ đồng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 151 tỷ đồng, đạt 113,5% so với kế hoạch dự toán giao...Kinh tế phát triển đã tạo đà nâng cao đời sống Nhân dân, tính đến đầu tháng 10 năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Thượng Cốc đạt trên 42 triệu đồng, bằng 94,2% kế hoạch năm. Các lĩnh vực như: Văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, hiện nay xã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Bùi Thế Hòa - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ, “Đối với các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặt biệt là về đường giao thông, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng ban đơn vị, tham mưu cho huyện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huy động sự đóng góp của Nhân dân thực hiện từng tiêu chí”.
Từ những kết quả tren cho thấy, kết quả của các Chương trình MTQG của huyện Lạc Sơn đã giúp cho đời sống của người dân ở vùng dân tộc không ngừng được tăng lên, hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại. Nông nghiệp có nhiều chuyển biến, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, chất lượng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt./.