DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Hiền Lương

19/05/2015 00:00
Hiền Lương là xã vùng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc với dân số 1.973 nhân khẩu, trong đó có 5 xóm thuộc vùng 135. Thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã đã và đang đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng xã Hiền Lương đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo nhằm từng bước giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn theo từng năm. Nếu như cách đây 5 năm số hộ nghèo trên địa bàn xã còn khá cao vào khoảng 47%, những đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 26%.
Gia đình bác Nguyễn Văn Quảng xóm Roi xã Hiền Lương thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương Xa Văn Chính cho biết, Hiền Lương là xã thuần nông vì vậy trong quá trình phát triển kinh tế, xã xác định có 3 phương án để thúc đẩy kinh tế phát triển đó là trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã thời gian qua đó là xã đã chủ động, quan tâm giúp hộ nghèo phát triển sản xuất. Đồng thời xã cũng thường xuyên cử cán bộ khuyến nông, lâm bám sát cơ sở nhằm tập huấn, hướng dẫn những kiến thức mới từ đó giúp nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi. Một trong những mô hình giảm nghèo có hiệu quả đó là việc thúc đẩy mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn cá thịt. Đây là hướng đi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với làm các ngành nghề khác của người dân địa phương. Hơn nữa, nghề nuôi trồng thủy sản tại địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi như diện tích mặt nước rộng, sạch giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt, thịt ngon được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 50 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với khoảng 200 lồng nuôi. Nếu trước đây cá nuôi chủ yếu là loại truyền thống như trắm, chép...thì đến nay người nuôi đã chuyển hướng sang nuôi các loại đặc sản như tầm, lăng, bỗng, chiên, diêu hồng, dầm xanh, trắm đen...đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, để người dân có thêm thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo thì xã cũng chủ trương đưa các loại ngành nghề mới về phát triển tại địa phương. Trong đó có nghề thêu, chẻ tăm, làm chổi chít đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động có việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định.

Cùng với đó, Hiền Lương cũng đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng. Trước đây trên địa bàn người dân chủ yếu tập trung chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Tuy nhiên, việc chăn nuôi bò rất vất vả, thu nhập lại không cao. Chính vì vậy, hiện nay nhiều hộ dân trong xã đã chuyển sang chăn nuôi dê lấy thịt, lấy giống hiệu quả kinh tế cao hơn và nhanh thu hơn so với nuôi bò. Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 45 hộ tham gia chăn nuôi dê với tổng đàn khoảng 670 con. Có những hộ chăn nuôi 30 con dê, mỗi năm sinh sản và bán ra thị trường khoảng 60 con, thu lãi vài chục triệu đồng. Bác Nguyễn Văn Quảng, xóm Roi xã Hiền Lương cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Những lúc có việc cần 1 đến 2 triệu đồng cũng không kiếm đâu ra. Thời gian trước, gia đình tôi cũng đã chăn nuôi nhiều loại con như lợn, gà nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu lại luôn phải đối mặt với dịch bệnh. Thấy nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ nuôi lại phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương vì vậy gia đình tôi đã chuyển sang chăn nuôi từ 2007. Lúc đầu, gia đình tôi chỉ có đủ tiền mua 3 con dê giống, sau mấy tháng 2 con dê cái đẻ được 3 con, gia đình bán được hơn 1 triệu đồng/con. Cũng từ đó, gia đình tôi một mặt nuôi dê bán thịt cũng như nhân giống có lúc đàn lên tới 30 con. Từ khi chuyển sang chăn nuôi dê, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại con khác, đồng thời cũng ít dịnh bệnh và chăm sóc không vất vả. Đến nay, gia đình tôi đang nuôi 10 con dê sinh sản, bình quân mỗi năm thu nhập được khoảng hơn 10 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi dê, gia đình bác Quảng còn trồng hơn 2 ha luồng, mỗi năm thu được khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, tận dụng lúc nông nhàn gia đình còn tham gia chẻ tăm, thu nhập khoảng 700 đến 1 triệu đồng/tháng. Từ khi nuôi dê, trồng luồng và làm nghề phụ, kinh tế gia đình bác Quảng không còn khó khăn, đời sống ổn định, có tiền trang trải cuộc sống. Đặc biệt, cũng từ nuôi dê mà bác Quảng đã có thêm tiền nuôi con đang học tại Trường Trung cấp Y Hòa Bình.

Cũng theo ông Xa Văn Chính, nhằm phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, thời gian tới Hiền Lương sẽ tiếp tục có những định hướng, giải pháp tích cực để phát triển kinh tế. Phát triển chăn nuôi có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản vào đầu tư tại địa bàn để góp phần tạo việc làm cho nhân dân; mở rộng, phát triển ngành nghề mới cho lao động tại địa phương, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn. Qua đó, Hiền Lương phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm xuống dưới 10%.