DetailController

Tin từ các đơn vị

Hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh

22/12/2020 00:00
Với phương châm "phòng" hơn "chống", những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Năm 2016 có 240 vụ, năm 2017 có 235 vụ, năm 2018 có 275 vụ, năm 2019 có 257 vụ và đặc biệt là năm 2020 chỉ còn có 96 vụ.
Cán bộ Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động chị em tìm hiểu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp phối hợp triển khai thực hiện 3 mục tiêu, 12 chỉ tiêu. Công tác truyền thông luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Theo số liệu thống kê, năm 2020, 95% hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến và đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Hàng năm, trung bình giảm từ 12-15% hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định. Ban Dân tộc phối hợp các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế trên 50% số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh là bạo lực về tinh thần, tiếp đến là bạo lực về thân thể, bạo lực về kinh tế và bạo lực về tình dục. Để khắc phục vấn đề này, các tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh được đưa vào quy chế của cơ quan, đơn vị và hương ước, quy ước của khu dân cư để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia thực hiện. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình ngày càng được phổ biến rộng rãi, tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại có chiều hướng giảm. Vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định trong thời  kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc phòng, chống bạo lực gia đình được gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Năm 2019, 83,8% hộ được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa". Tỷ lệ và chất lượng "Gia đình văn hóa” ngày càng được nâng cao, nhiều "Gia đình văn hóa” đạt 3 năm, 5 năm liên tục tiêu biểu xuất sắc được suy tôn, vinh danh tại khu dân cư. Các khu dân cư văn hóa cũng phải là khu dân cư không xảy ra bạo lực gia đình, toàn tỉnh có đến 85,2% số khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Trong 10  năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 20 cuộc hội thảo các nội dung về Dân số chăm sóc sức khoẻ sinh sản gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; tổ chức truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản trên 1.000 cuộc trong các cuộc họp, hội thảo tại thôn, bản, khu dân cư. Qua đó từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, định kiến gia trưởng, tư tưởng "Trọng nam, kinh nữ”. 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; 98% hộ gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền và thực hiện đúng chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì lựa chọn giới tính.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phòng, chống bạo lực gia đình với mục tiêu đến năm 2025 có từ 95% trở lên số hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Có 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được truyền thông và trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình./.