DetailController

Quốc phòng - An ninh

Hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

29/12/2021 00:00
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 dân tộc chính cùng chung sống. Đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63%; dân tộc Kinh chiếm 27,7%, các dân tộc Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác chiếm 9,3%. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, công tác dân vận trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.
Đại diện lãn đạo Bộ Công an và tỉnh Hoà Bình đến thăm và trao tặng nhà cho người nghèo hai xã Hang Kia, Pà Cò

Năm vừa qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nghiêm túc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; cùng đoàn kết, chung tay thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù tại xã Hang Kia và xã Pà Cò, huyện Mai Châu và tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; tổ chức 282 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các thôn, xóm, xã vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khănvề những lĩnh vực pháp luật; biên soạn và cấp phát hàng nghìn cuốn hỏi đáp các quy định của pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, Sổ tay cung cấp thông tin về chính sách đối với người có uy tín. Ngoài ra, tỉnh đã đăng tải, tiếp sóng gần 100 bài viết, phóng sự, chuyên trang trên các trang Cổng thông tin điện tử, Báo Hòa Bình, Đài phát thanh và Truyền hình về các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, dân vận  đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Nhằm thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã tăng cường cải cách hành chính, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, nhà văn hóa, công trình thủy lợi…), các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể đáp ứng lợi ích thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh, huyện đã hình thành được vùng sản xuất, vùng nguyên liệu có quy mô lớn, như: Vùng Cam tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng bưởi Đỏ, bưởi Da xanh tại huyện Tân Lạc; vùng bưởi Diễn tại huyện Yên Thủy, Lương Sơn; rau Susu Tân Lạc, Mai Châu; vùng Tỏi tía Mai Châu, rau hữu cơ huyện Lương Sơn. Bảo vệ thành công nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm Khoai sọ, Mía tím, Nhãn, Gạo, cây dược liệu. Toàn tỉnh đang quản lý và bảo vệ tốt 236.582,71 ha diện tích rừng, duy trì độ che phủ ổn định trên 51%.

Việc triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh duy trì, quan tâm các hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục tăng cường bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ là người dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Mạng lưới trường lớp được củng cố, toàn tỉnh hiện có 11 trường PTDTNT THCS&THPT, 01 trường PTDTNT THCS, 01 trường PTDTNT THPT tỉnh, 03 trường PTDTBT THCS, 09 trường PTDTBT TH&THCS. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đến công tác đào tạo nghề và sắp xếp việc làm cho lao động nông thôn, miền núi nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào các cơ sở sản xuất, tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp. Năm 2021, các ngành chức năng trong tỉnh đã đào tạo nghề từ nguồn kinh phí địa phương đã tổ chức được 57 lớp, đào tạo cho 1.517 lao động.

Năm 2021, công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân trong thực thi công vụ và vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo được lòng tin của các tầng lớp Nhân dân các dân tộc với Đảng, chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc./.