Trong đó, riêng dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn đầu tư trên 370 tỷ, thực hiện 658 công trình. Các công trình được thực hiện quản lý đầu tư theo cơ chế đặc thù đã huy động thêm nguồn lực tham gia đóng góp của người dân, đồng thời giảm bớt đơn và đơn giản hóa các thủ tục quản lý đầu tư; thực hiện phân cấp mạnh cho cơ sở cấp xã, thôn, cộng đồng dân cư được tham gia trong tất cả quán trình quản lý đầu tư xây dựng một dự án, đặc biệt phân cấp mạnh cho xã là chủ đầu tư xây dựng dự án, cộng đồng dân cư, người dân được trực tiếp giám sát, kiểm tra, tham gia xây dựng công trình mình hưởng lợi, phù hợp cơ chế quản lý đầu tư, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ trong việc quản lý đầu tư dự án quy mô nhỏ phù hợp với quan điểm xã có công trình, dân có việc làm, tăng thêm thu nhập. Các công trình được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đã và đang phát huy hiệu quả làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi và góp phần trong việc phát triển KT-XH tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Với tổng vốn ngân sách trên 20 tỷ đồng, tỉnh đã giao các địa phương thực hiện duy ty bảo dưỡng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng sau đầu tư. Trong đó bao gồm các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế….Việc thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư đã tuân thủ và thực hiện đúng quy định đã góp phần duy trì hoạt động bình thường của công trình. Thực hiện giao 100% công tác duy tu bảo dưỡng công trình cho cấp xã làm chủ đầu tư, kinh phí duy tu ưu tiên thực hiện các công trình phục vụ sản xuất, các công trình cấp thiết cần sửa chữa ngay, đồng thời chú trọng tạo việc làm công cho lao động địa phương để tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, công tác duy tu đã huy động được sự đóng góp của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo quản và sử dụng công trình, các công trình được duy tu đã và đang phát huy hiệu quả, tính bền vững.
Giai đoạn qua, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được hỗ trợ tổng vốn trên 89 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp cho trên 34 nghìn hộ hưởng lợi, thực hiện 43 hạng mục hỗ trợ. Với 16,4 tỷ đồng nguồn vốn, tỉnh đã giao Ban Dân tộc phối hợp với các địa phương thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng. Công tác đào tạo được thực hiện theo hình thức tập trung, các đối tượng được đào tạo là cán bộ xã, xóm và cộng đồng, được trang bị, bổ sung kiến thức về quản lý đầu tư, giám sát, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở…Từ đó nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện dự án, chính sách trên địa bàn, góp phần từng bước nâng cao năng lực tham gia hoạt động quản lý dự án, phát triển sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại các xã, thôn bản được thụ hưởng chương trình.
Nhìn chung, Chương trình đã có nhiều đổi mới tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình tương đối phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của tỉnh về cơ bản đáp ứng được mục tiêu tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu và các thôn bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giai đoạn 2017 – 2019 từ 18% giảm còn 11,36%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn từ 34,77% xuống còn 21,85%./.