DetailController

Giáo dục

Hè này, trẻ em chơi ở đâu?

10/06/2011 00:00
Hiện nay, học sinh đã bước vào kỳ nghỉ hè. Đây là dịp để các em được nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày học tập ở trường. Tuy nhiên, vui chơi ở đâu để có một kỳ nghỉ bổ ích, lý thú đang là mối quan tâm của các bậc phụ huynh và các em thiếu niên, nhi đồng.
Trẻ em xã Dân Chủ (TPHB) tắm tại hồ thủy lợi, nguy cơ đuối nước cao.

 

Ngay sau khi nghỉ hè được 2 ngày, chị Lê Thị Hà ở tổ 22, phường Tân Thịnh (TPHB) đã vội vã đến Trung tâm hoạt động TTN để tìm lớp học năng khiếu cho con gái học lớp 1. Ông, bà nội, ngoại đều ở xa lại đã già, không trông được cháu mà hai vợ, chồng đều là công chức, không thể nghỉ làm nên chọn giải pháp gửi con vào Trung tâm. “Nhốt con trong nhà không yên tâm, thuê người trông thời vụ rất khó, còn cho con đi học ở nhà cô giáo thì căng thẳng đầu óc quá. May mà mấy năm nay bên bờ trái sông Đà có Trung tâm vừa học, vừa chơi cho thiếu nhi, không phải đi xa sang Nhà thiếu nhi tỉnh.” – chị Hà tâm sự. Hoàn cảnh như chị Hà không hiếm, nhất là hiện nay, nhiều gia đình chỉ có hai thế hệ bố mẹ và con.  
 
Nắm bắt nhu cầu của thanh, thiếu nhi, với chức năng của mình, Trung tâm hoạt động TTN đã xây dựng kế hoạch hoạt động hè với nhiều môn năng khiếu, vui chơi bổ ích, lành mạnh. Giám đốc Bùi Xuân Trường cho biết: Hiện có trên 1.000 thanh, thiếu nhi đăng ký học tập, vui chơi. Các em có nhiều sự lựa chọn từ học các môn năng khiếu như nhạc, họa đến các môn ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, lớp kỹ năng sống hay tham gia trại hè ăn, ở nội trú dài ngày… Thư viện với trên 10.000 đầu sách cũng là cơ hội để các em khám phá. Ngoài ra còn nhiều cơ hội để các em gặp gỡ, giao lưu với các đoàn thiếu nhi nước ngoài và thực hành ngoại ngữ đã học. Thông qua đó sẽ phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng và tham gia các cuộc thi toàn quốc. Cũng như Trung tâm hoạt động TTN, Nhà thiếu nhi tỉnh là lựa chọn số một của nhiều bậc phụ huynh trong dịp hè. Việc thành lập được Trung tâm đã giảm tải nhiều cho Nhà thiếu nhi tỉnh mỗi dịp hè đến. Bên cạnh đó, từ việc xã hội hóa, thiếu nhi TPHB cũng có một số điểm vui chơi như: đu quay, tàu điện, cầu trượt, bể bơi trẻ em… 
 
Tuy nhiên, ở các xã vùng xa như Yên Mông, Thái Thịnh, đặc biệt là vùng nông thôn các huyện việc tìm nơi vui chơi, giải trí cho thiếu nhi còn nhiều khó khăn. 4 giờ chiều, có mặt tại đập thủy lợi xã Dân Chủ (TPHB), hơn 10 em thiếu niên, nhi đồng đang vùng vẫy ngụp lặn dưới làn nước xanh đục. Có em nhỏ mới chỉ 3 tuổi cũng đi theo ngồi sát mép nước xem các anh, chị tắm. Trong chuyến công tác về xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), 8 giờ sáng, trên bờ mương xóm Chiềng, nhóm 4 em nhỏ học lớp 3 đang hì hục dùng dao đào hang chuột, mắt, mồm lấm lem bùn đất. Đem những điều mắt thấy, tai nghe đến trao đổi với bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) được biết: Sân chơi cho trẻ em ở vùng nông thôn còn thiếu cả về địa điểm và trang thiết bị. Hầu hết các xóm đều có nhà văn hóa nhưng không có đồ chơi và thiếu người tổ chức nên các em không mặn mà. Thay vào đó, có em phụ giúp gia đình, có em lại tự bày ra các trò chơi như đánh khăng, tắm suối, trèo cây… không bảo đảm an toàn. Tai nạn thương tích trẻ em hàng năm vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng, trong đó nhiều nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 601 vụ làm 27 trẻ bị chết; 9 tháng năm 2010 xảy ra 448 vụ, 7 trẻ bị chết. Ngay từ đầu hè năm 2011, tại huyện Yên Thủy đã có 4 em bị chết đuối do tắm đập. Điều đó cho thấy cần có sự quan tâm, đầu tư những điểm vui chơi an toàn và tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn nhiều hơn nữa cho trẻ.
 
Để tạo môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em, Tỉnh Đoàn TN đã xây dựng kế hoạch hoạt động hè với chủ đề “Hè vui an toàn, học ngàn điều hay”. Ngay sau khi kết thúc năm học, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với ngành Giáo dục bàn giao học sinh về sinh hoạt tại địa phương. Hình thức sinh hoạt đã được đổi mới, cán bộ Đoàn cơ sở được tập huấn các kỹ năng tổ chức trò chơi, chống đuối nước. Hè này, Đoàn thanh niên sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: các giải thể thao, hội trại, liên hoan văn nghệ, thi nghi thức đội, sân chơi lưu động, thăm quan dã ngoại về nguồn… Cùng với đó là các mô hình, trại huấn luyện kỹ năng xã hội; hướng dẫn thiếu nhi tham gia các hoạt động xã hội vì cuộc sống cộng đồng; tổ chức đợt cao điểm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động truyền thông, tư vấn, tập huấn công tác bảo vệ trẻ em. Chương trình thanh niên tình nguyện hè cũng sẽ được khởi động và hướng về những nơi còn khó khăn. Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tỉnh đã dành nhiều quan tâm. Thực hiện Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm 2011, 100% các huyện, thành phố phải bố trí được quỹ đất hợp lý để xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện.