DetailController

Khoa học - Môi trường

Hàng trăm hộ dân đang bị nhà máy “đầu độc”

06/12/2011 00:00
Từ mấy năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu Mới xóm Chù Bụa xã Mỹ Hòa, xóm Lầm 2 và phố Lồ xã Phong Phú huyện Tân Lạc đang phải chịu cảnh ăn, ngủ cùng nguồn nước và không khí ô nhiễm do nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình. Mặc dù biết việc hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng nhưng lãnh đạo Nhà máy cũng chỉ xử lý nửa vời, phớt lờ lợi ích của nhân dân. Bức xúc trước tình trạng này, trong hai ngày 5 và 6-12 hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã kéo đến bao vây Nhà máy yêu cầu có giải pháp xử lý triệt để.
Hoạt động sản xuất của nhà máy tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình đang làm ô nhiễm môi trường cho nhân dân trên địa bàn

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phú Mỹ được xây dựng trên địa bàn xã Phong Phú huyện Tân Lạc. Tháng 9-2007, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Theo thiết kế, nếu có đủ nguyên liệu sản xuất, mỗi năm Nhà máy cần tới 40.000 đến 50.000 tấn sắn củ. Có thể nói, sự ra đời của Nhà máy đã góp phần đáng kể trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của một số địa phương trong tỉnh và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động sản xuất, nguồn nước thải từ nhà máy đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục hộ dân và gây bức xúc đến hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực Nhà máy. Theo phản ánh của nhân dân, từ khi đi vào hoạt động đến nay do không có hệ thống xử lý nước thải tốt nên mỗi khi vào vụ sản xuất chính, lượng nước thải lớn đã gây ô nhiễm môi trường cho nhân dân trên địa bàn tăng theo hàng năm. Khi Nhà máy xả nước thải ra các mương, rãnh hai bên đường trong khu dân cư thẩm thấu xuống đất, gây ô nhiễm nặng nguồn nước sinh hoạt cũng như không khí nơi có nguồn nước thải chạy qua. Khi bị ảnh hưởng về môi trường từ nguồn nước thải của Công ty chế biến tinh bột sắn Phú Mỹ, nhân dân đã có đơn kiến nghị gửi nhà máy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của huyện nhưng cho đến nay vẫn chưa có một phản hồi tích cực nào từ phía lãnh đạo công ty và cơ quan chức năng.

Bước vào vụ sản xuất chính năm nay, chỉ trong thời gian chưa đầy 30 ngày khi Nhà máy xả nước thải chưa xử lý sạch ra cống, rãnh thì toàn bộ số giếng nước của bà con đã bị ô nhiễm không thể sử dụng được. Do nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng, nhân dân đã có đơn phản ánh kiến nghị tới Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hòa Bình về lấy mẫu nước kiểm tra. Đến lúc này, Nhà máy mới cho người đi dọn dẹp, phát quang và rắc vôi khử trùng tại các mương, rãnh thoát nước. Tuy nhiên, do lượng nước thải gần như không qua xử lý lớn chảy hằng ngày qua các khu dân cư, không khí xuất hiện mùi hôi, thối, nước giếng khoan trong dân có màu đen hoặc nâu đục, thối không thể sử dụng được. Điều đáng nói, không những các hộ dân sống xung quanh phải chịu đựng cảnh ô nhiễm nguồn nước, không khí mà khu vực ở cách xa Nhà máy cả cây số cũng vẫn còn phải chịu mùi nước thải nồng nặc. Vào khu Đồi Chè gần Nhà máy thì sẽ thấy mùi hôi thối còn nặng hơn nữa.

Theo sự hướng dẫn của nhân dân, chúng tôi có mặt tại phố Lồ, nơi được coi là một trong những trọng điểm của ô nhiễm nguồn nước cũng như ô nhiễm không khí do Nhà máy tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình gây ra. Trời đã về chiều, lượng nước thải do hoạt động sản xuất của Nhà máy bắt đầu “phát tác” dọc khu dân cư. Ở mương thoát (theo người dân đây là rãnh nước thải trực tiếp từ Nhà máy xuống) nước thải đang dóc rách chảy kéo theo một màu đen ngòm cùng mùi hôi thối khó chịu trong không khí chảy qua trước cửa các hộ dân. Anh Lê Đại Hành, phố Lồ xã Phong Phú bức xúc cho biết: “Nếu như trước đây, nước giếng khoan của gia đình tuy bị ô nhiễm nhưng mức độ nhẹ vẫn có thể xử lý bằng phèn chua để tắm giặt được. Tuy nhiên, những ngày gần đây giếng khoan nhà tôi mặc dù sâu đến vài chục mét khi bơm lên chỉ thấy toàn màu đen, để lắng xuất hiện các váng màu vàng, mùi hôi thối rất khó chịu. Gia đình tôi đã bơm lên bể, để lắng vài hôm sau đó dùng phèn chua xử lý nhưng xem ra vẫn không ăn thua. Hiện nay, để có nước sinh hoạt hằng ngày gia đình tôi phải đi mua với giá 60.000 đến 70.000 một m3. Bình quân, cả gia đình mổi ngày sử dụng khoảng 1 m3, tính ra hàng tháng chúng tôi phải mất thêm gần 2 triệu đồng tiền mua nước mặc dù nước giếng lúc nào cũng đầy ắp”.

Cũng trong tình trạng sống trong ô nhiễm, anh Bùi Văn Anh ở xóm Lầm 2, xã Phong Phú cho biết, cạnh nhà tôi, cách chưa đầy 2 mét là hai rãnh nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình. Thời gian qua, khi Nhà máy bước vào vụ sản xuất chính nên nguồn nước sinh hoạt của gia đình bị ô nhiễm hết, khônng thể sử dụng được. Nếu tuần trước, còn có bể nước mưa, gia đình chỉ để dùng ăn, uống còn tắm giặt phải ra suối cách hơn 1 km. Nhưng đến nay, nước mưa đã hết gia đình tôi cũng phải đi mua từng can nước về dùng, bình quân mỗi tháng, bốn người trong gia đình sử dụng tiết kiệm cũng phải mất hằng trăm nghìn đồng. Ngoài thiếu nguồn nước sinh hoạt, cả gia đình tôi còn phải chịu ô nhiễm nặng do mùi hôi, thối ở rãnh thoát nước xung quanh nhà bốc lên. Vì vậy, nhà tôi các cháu ban ngày đi học, tối đến phải ở nhờ ông bà. Để tránh phải ngửi mùi khó chịu đó, nhà luôn phải đóng kín cửa ra vào cũng như cửa sổ, sau đó bịt bằng băng dính nhưng tối vẫn không thể ngủ được.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình Lương Quang Thi xác nhận việc Nhà máy xả thải nước gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng không khí đối với nhân dân hoàn toàn có thật. Theo phản ánh của nhân dân, mặc dù Nhà máy đã có “thiện chí” cung cấp cho nhân dân hai bể lọc nước nhưng lượng nước ở hai bể đó chỉ đủ nước cho một bộ phận nhỏ nhân dân còn rất nhiều những người trên địa bàn đang hàng ngày sống trong cảnh ăn, ngủ với nguồn nước và không khí ô nhiễm. Trước tình trạng này, nhân dân đã nhiều lần có văn bản kiến nghị với Nhà máy để có giải pháp khắc phục nhằm ổn định đời sống nhân dân nhưng lãnh đạo Nhà máy vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Cũng theo ông Thi, trước khi đi vào hoạt động sản xuất, Nhà máy cũng đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng do phát sinh vì xây dựng thêm nhà máy sản xuất cồn nên đã thay đổi lại hệ thống xử lý. Hơn nữa, hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường cho nhân dân vẫn chưa khắc phục được là do kinh tế khó khăn. Liệu một nhà máy chế biến tinh bột sắn có công suất lớn có phải vì lợi ích kinh tế của Nhà máy đã bỏ qua lợi ích của nhân dân, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước đối với hàng trăm hộ dân trên địa bàn 2 xã Phong Phú và Mỹ Hòa hay không? Có lẽ những lý do mà giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình đưa ra cũng cần phải xem xét lại. Bởi vì không thể chấp nhận một Nhà máy chế biến nông sản lớn hoạt động sản xuất gần khu dân cư mà ngang nhiên gây ô nhiễm môi trường, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm đảo lộn cuộc sống, thiệt hại về kinh tế cho nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, người dân trên địa bàn đang yêu cầu Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phú Mỹ phải đầu tư xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm và đề nghị các cấp có thầm quyền tiếp tục điều tra làm rõ sự việc, không để tình trạng này tái diễn, tránh tình trạng nước thừa nhưng dân vẫn “khát” trong thời gian qua.