Theo ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội cũng như nâng cao đời sống nhân dân. Ở các làng văn hóa những chuẩn mực, đạo lý, thuần phong mỹ tục và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn; nếp sống văn minh được phát huy, hạn chế những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan và tệ nạn xã hội; các thiết chế văn hóa từng bước được củng cố và xây dựng. Đặc biệt, sự tác động của phong trào đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động mạnh mẽ các nguồn lực tham gia tạo sự đồng thuận của xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 12.465 lượt làng văn hóa, trong đó có 377 làng văn hóa chín năm liên tục. Nổi bật trong phong trào xây dựng làng văn hóa là việc tác động tích cực trong việc cải thiện đời sống kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị. Ngoài ra, phong trào cũng có tác động tích cực về đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, thực hiện có hiệu quả nhiều dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, nước sạch nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình đem lại thu nhập cao, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tạo việc làm tại chỗ cho lao động; thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 90% số dân ở vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải đô thị đến nơi quy định đạt 84%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường. Dưới sự tác động của phong trào xây dựng làng văn hóa đã huy động được sự đóng góp về kinh tế và ngày công của nhân dân, từng bước hoàn thành việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Với mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao đã được xây dựng phần nào tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở phát triển. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, phong tục tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa góp phần giữ gìn những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.
Là địa phương có tới 90% dân số theo đạo Thiên chúa, thôn Hoàng Đồng xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã được UBND huyện công nhận làng văn hóa từ năm 2001. Từ việc đoàn kết xây dựng làng văn hóa đời sống của người dân Hoàng Đồng đã có nhiều thay đổi. Trong phát triển kinh tế, Chi ủy chi bộ và chính quyền thôn đã năng động, sáng tạo, động viên nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, kinh doanh buôn bán, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa những cây, con giốn có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi. Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại thu nhập cao cho nhiều người dân địa phương. Trong đó, có một số gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển kinh tế, các gia đình trên còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập ổn định. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm 14%, đến năm 2013 đã giảm xuống còn 6,5%. Hiện nay, Hoàng Đồng có 100% nhà xây, trong đó có 80% là nhà kiên cố; trong thôn không còn hộ đói, số hộ khá, giàu chiếm 60%; số hộ có thu nhập trung bình chiếm 33%; 100% các hộ gia đình cam kết thực hiện kế hoạch chung tay xây dựng nông thôn mới.
Giờ đây, nhà văn hóa với diện tích 120 m2 và sân chơi thể thao diện tích 3.000 m2 ở làng văn hóa khu 6, thị trấn Mường Khến huyện Tân Lạc luôn là địa điểm sinh hoạt và vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân địa phương. Hai công trình này là thành quả mà người dân đóng góp để xây dựng. Có thể nói, việc được công nhận làng văn hóa đối với khu 6 đã góp phần tích cực làm thay đổi đời sống, nhận thức của người dân nơi đây. Trên địa bàn hàng năm có 100% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Qua bình xét hàng năm luôn có từ 94% đến 98% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Cũng qua phong trào xây dựng làng văn hóa nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại địa bàn được chi bộ, chính quyền và nhân dân tích cực hưởng ứng. Vì vậy, việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn được thực hiện lành mạnh, tiết kiệm, xóa bỏ được nạn thách cưới hoặc tảo hôn, không có bạo lực gia đình cũng như không có hành vi truyền bá, hành nghề mê tín, dị đoan. Thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, trong chín năm qua trên địa bàn không có người vi phạm pháp luật, nghiện hút, trộm cắp, buôn bán ma túy cũng như truyền bá văn hóa phẩm độc hại. Ngoài ra, khu cũng thường xuyên tuyên truyền nhân dân về bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác và tháo nước thải ra đường. Hiện nay, trên địa bàn, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, phong trào xây dựng làng văn hóa ở tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức; tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến đời sống văn hóa cộng đồng. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa còn hạn chế; đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ cơ sở chưa được đào tạo chuyên ngành, phải kiêm nhiệm và biến động nhiều...Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động hàng năm có 95% trở lên các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phấn đấu có 70% trở lên số hộ giữ vững và phát huy danh hiệu gia đình văn hóa. Trong đó có 20% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ; tuyên truyền và vận động hàng năm có từ 95% trở lên làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa, phấn đấu có 65% số làng, bản, tổ dân phố giữ vững và phát huy danh hiệu. Trong đó có 15% làng, bản, tổ dân phố văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn mới...