DetailController

Tin từ các đơn vị

Hạ tầng thương mại của tỉnh phát triển tạo thuận lợi cho luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa

05/01/2024 16:00
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và các loại hình phân phối hiện đại. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Hiện nay, toàn tỉnh có 95 chợ truyền thống. Trong đó, có 1 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2 và 84 chợ hạng 3. Hầu hết chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Hình thức chợ truyền thống đã phát huy vai trò phục vụ sinh hoạt  hàng ngày của người dân, hàng hóa do Nhân dân địa phương sản xuất. Để các chợ hoạt động hiệu quả, cơ quan chức năng trong tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo địa phương thành lập mô hình Ban quản lý chợ được áp dụng chủ yếu tại những chợ trung tâm thị trấn của huyện; thành lập Tổ quản lý tại các chợ xã, cụm xã. Ngoài ra, trên địa bàn có 10 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã tham gia quản lý, kinh doanh 29 chợ. Nhìn chung, các chợ sau khi chuyển đổi từ mô hình Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp chợ đều hoạt động khá hiệu quả, cơ sở vật chất của chợ được đầu tư khang trang, hiện đại; bảo đảm công tác kiểm soát về an ninh trật tự, vệ sinh, an toàn thực phẩm; đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, mua sắm hàng hóa của dân cư.

Cùng với hệ thống chợ truyền thống, kênh phân phối hiện đại là hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện lợi, khu dịch vụ thương mại... cũng đang được đầu tư, phát triển mạnh trên địa bàn ở cả khu vực thành phố và nông thôn. Hiện có 3 trung tâm thưng mại (TTTM) hạng III tại thành phố Hòa Bình và 07 siêu thị Tập trung chủ yếu tại thành phố Hòa Bình và một sóp huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Lương Sơn. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch phát triển dân cư; vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Bên cạnh đó, việc hình thành hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã góp phần mở rộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện các nền tảng thương mại điện tử của tỉnh.

Hạ tầng thương mại phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, với sự hình thành và phát triển của hạ tầng thương mại thời gian qua đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư, làm gia tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa, cũng như làm thay đổi tích cực diện mạo ngành thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại./.