DetailController

Tin từ các đơn vị

Giữ vững thương hiệu Cam Cao Phong

03/11/2022 00:00
Huyện Cao Phong đã chính thức bắt đầu vào vụ thu hoạch cam, niên vụ 2022-2023. Năm nay, thời tiết, khí hậu thổ nhưỡng và trình độ thâm canh của người dân tiếp tục khẳng định chất lượng cam Cao Phong.
Sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu và cho hiệu quả kinh tế khá

Cây cam là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014. Năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của Vietnam Airlines… Qua nhiều năm, cây Cam đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ nét, cho giá trị thu nhập trung bình từ 500 – 700 triệu đồng/ha. Từ đó người dân có ý thức giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm cam Cao Phong.

Cam Cao Phong có đặc điểm vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng, nhiều giống cam gần như không có hạt phù hợp với nhu cầu thị trường. Huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha.

Tuy nhiên, hiện một số diện tích cam đã hết chu kỳ thu hoạch và phải phá bỏ, phục hồi đất. Bên cạnh đó một số diện tích cam bị sâu bệnh, nên phải phá bỏ để trồng các loại cây khác…Do đó, để giữ vững thương hiệu Cam Cao Phong, cần sự chung tay vào cuộc của cả người dân và Chính quyền. Hiện, huyện đang xây dựng Đề án tái canh cây ăn quả có múi gian đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu cam Cao Phong. Theo đó, sẽ phát triển khoảng 1.500 ha với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất. Để đề án này được thực hiện cần nhiều nguồn lực về tài chính và sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các hộ trồng cam trong huyện. Đây là tiền đề cho vùng cam Cao Phong phát triển bền vững. Để thực hiện thành công việc giữ vững và phát triển thương hiệu Cam Cao Phong, thời gian tới huyện tập trung thực hiện các giải pháp như: Phát triển hạ tầng vùng cam an toàn tập trung; thực hiện hỗ trợ các địa phương trong chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh. Triển khai đề án tái canh, từ đó rút kinh nghiệm nhân diện nhằm bảo đảm hiệu quả. Thực hiện cải tạo đất, tổ chức lại sản xuất. Thực hiện quản lý và sản xuất giống có chất lượng, bố trí cơ cấu giống theo hướng rải vụ, thực hiện chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững./.