Thời gian qua, công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã kiểm kê được gần 1.000 di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Một số di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia như: di sản Mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật trình diễn Chiêng Mường Hòa Bình (được công nhận năm 2016); Di sản văn hóa Tri thức Lịch Đoi/Roi (Lịch tre) của người Mường và Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình (được công nhận năm 2022).
Công tác trùng tu tôn tạo, xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong những năm qua không ngừng được đẩy mạnh, đến nay tổng số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh là 102 di tích, trong đó có 41 di tích cấp Quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh.
Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đã tổ chức truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh tại cơ sở như: Nghệ thuật Chiêng Mường; kết cấu và cách dựng nhà sàn dân tộc Mường; nghệ thuật hát Thường đang bọ mẹng dân tộc Mường; nghệ thuật hát Khắp dân tộc Thái, dân tộc Tày; Mở lớp dạy chữ Thái, Tày, Dao…; biên soạn xuất bản, phát hành các ấn phẩm. Trước những nguy cơ mai một của các loại hình di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, bên cạnh việc bảo tồn chữ viết dân tộc Thái, Tày, Dao, tỉnh đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và phê chuẩn bộ chữ vào năm 2016, giao cho các sở, ngành của tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán dạy và học chữ dân tộc Mường.
Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh góp phần quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa các dân tộc Hòa Bình đến bạn bè và du khách thập phương. Tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mường; Ngày hội văn hóa dân tộc Tày - Dao, huyện Đà Bắc; Ngày hội văn hóa dân tộc Thái và Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, huyện Mai Châu.
Hoạt động tuyên truyền, cổ động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được diễn ra thường xuyên. Năm 2022 đã tổ chức thành công chương trình “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022; Chuẩn bị tốt các điều kiện về chuyên môn kỹ thuật, cơ sở vật chất và đăng cai tổ chức môn Xe đạp trong chương trình Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 31; Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao các cấp tỉnh Hòa Bình lần thứ VII năm 2022…Các câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ, dân nhạc trên địa bàn tỉnh được thành lập ở cơ sở đi vào hoạt động ổn định và đóng góp cho việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ tổ chức truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc cho thế hệ trẻ, học sinh trong các nhà trường. Để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đồng bào các dân tộc có hiệu quả, hàng năm tỉnh tổ chức các cuộc hội thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng nhằm khai thác bản sắc văn hóa của các dân tộc và thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ từ cơ sở. Các cuộc hội thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng từ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã thu hút các diễn viên, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số tham gia.
Đến nay tỉnh Hòa Bình đã có 18 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong các lĩnh vực di sản văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó nghệ nhân là người dân tộc thiểu số có 17 nghệ nhân, chiếm 94%. Toàn tỉnh đã có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân không chuyên, bình quân mỗi năm, các đội văn nghệ quần chúng đã tổ chức biểu diễn khoảng 10.000 buổi phục vụ từ 2,5 đến 3 triệu lượt người xem; tiêu biểu có những xóm làm du lịch cộng đồng có 4 đến 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đã từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời khai thác phát triển du lịch, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Từ các phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong văn hóa, thể thao. Ngoài ra còn nhiều cá nhân người dân tộc thiểu số khác, có nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và thi đấu đạt thành tích cao trong các giải thể thao trong nước và quốc tế./.