DetailController

Tin từ các đơn vị

Giữ gìn, bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh

01/07/2020 00:00
Tỉnh Hòa Bình có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú, đa dạng, được coi là cái nôi của “Nền văn hóa Hòa Bình”. Hiện toàn tỉnh có 295 di tích, trong đó đã phân loại được 125 di tích các loại đủ tiêu chuẩn để lập hồ sơ xếp hạng. Đã có 41 di tích được Bộ VH,TT&DL xếp hạng cấp quốc gia và 27 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Năm 2019, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày trống đồng cổ, thu hút đông đảo các em học sinh và nhân dân tới tìm hiểu

Để bảo vệ, giữ gìn và phát huy tốt giá trị các di tích, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa được quan tâm đẩy mạnh. Sau khi di tích được xếp hạng, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ sở thành lập Ban quan lý di tích, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong BQL để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và nhân dân địa phương đóng góp công sức và nguồn vốn cùng với kinh phí của nhà nước để tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích. Đến nay đã có 07 di tích trên địa bàn tỉnh được phục hồi bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như: Chùa Khánh, Chùa Quèl Ang, Đền Thượng Bồng Lai (huyện Cao Phong); Đình Xám (Yên Thủy); Đình Niếng (Lạc Thủy); địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên Lao động XHCN tỉnh Hòa Bình và Đình Ngòi (thành phố Hòa Bình).

Thời gian qua, công tác giữ gìn, bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh, cảnh quan môi trường tại lễ hội trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo sát sao, chống các hành vi tiêu cực, xâm hại, phá hoại đến các di tích trên địa bàn. Hàng năm, vào mỗi dịp tổ chức lễ hội, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho du khách và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Công tác vệ sinh, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí hợp lý, xa khu di tích, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Các điểm di tích, danh lam thắng cảnh từ khi được công nhận đều có hồ sơ lưu trữ, bản đồ khoanh vùng.

Để phát huy giá trị các di tích, di sản, ngành Văn hóa thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày hiện vật. Năm 2019, Sở VH,TT&DL đã tổ chức 4 cuộc trưng bày di sản trống đồng cổ, di sản các dân tộc tại Bảo tàng tỉnh; duy trì mở cửa Phòng trưng bày di sản “Di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” tại Bảo tàng tỉnh, tuyên truyền, giới thiệu với khách thăm quan. Tiếp nhận 12 hiện vật gốm, 2 hiện vật trống đồng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; phục dựng một số trò chơi dân gian tiêu biểu của dân tộc Mường; 03 trống đồng cổ; thống kê hệ thống di tích có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 97 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Lập hồ sơ khoa học 04 di tích. Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức trao 06 bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại các di tích.

Các lễ hội được duy trì tổ chức thường niên, các nghi thức trong lễ hội cơ bản đi vào nền nếp, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, theo quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, đảm bảo thực hành tiết kiệm và lành mạnh. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các dân tộc từng bước được nâng lên; các hủ tục, mê tín dị đoan cơ bản được loại bỏ; bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được giữ gìn và phát huy. Công tác an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích, lễ hội được đảm bảo. BQL các di tích đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các hoạt  động diễn ra trong lễ hội, một số nơi đầu tư lắp đặt camera theo dõi; giá cả hàng hóa dịch vụ được các cơ sở kinh doanh niêm yết, bán đúng giá quy định.

Đến nay tỉnh đã duy trì và phục dựng lại một số lễ hội dân gian truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc dân tộc. Hoạt động lễ hội được tổ chức bảo đảm ý nghĩa, mang giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, là dịp để nhân dân bày tỏ sự tri ân sâu sắc các vị thần dân gian, biểu tượng của sự quy tụ, đoàn kết, sức mạnh cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu tâm linh, truyền thống, đạo lý hướng về cội nguồn.

Nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các lễ hội được tổ chức có sự quản lý, cho phép của các cấp có thẩm quyền, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả phù hợp với thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa truyền thống và tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Lễ hội cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát triển đúng hướng, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại lễ hội nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia. Việc tổ chức lễ hội dưới hình thức thương mại hóa, phi truyền thống trên địa bàn tỉnh không xảy ra, hoạt động tại các di tích, đền chùa, các điểm tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp./.