Dẫu mới đặt chân tới đất Mường Bi (Tân Lạc) chừng mươi lần, mục đích của mỗi chuyến đi khác nhau và thường chỉ lưu lại đó một ngày trọn vẹn nhưng đất và người nơi đây đã vun đắp cho tôi những cảm xúc đẹp. Từ “yêu”, đến “tin”, tôi tin rằng ở dải đất Mường Bi luôn có một làn gió thoảng mong manh hơn dải lụa mềm nhưng mang theo những điều kỳ diệu là cốt cách văn hóa, nét đặc trưng của người Mường Bi thổi tràn từ nơi này đến nơi khác, đời này qua đời khác và cho đến hôm nay.
Trong mỗi chuyến đi, tôi khám phá Mường Bi ở nhiều góc cạnh khác nhau và trong bức tranh tổng thể về kinh tế, văn hóa, xã hội ở nơi đây ngày càng có thêm nhiều chấm sáng đáng tự hào. Cứ ngỡ người dân Mường Bi giữ tập quán canh tác “tự cấp, tự túc” nhưng trong khi ở nơi khác còn loay với việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với đất đai và đáp ứng nhu cầu thị trường thì Tân Lạc đã tạo dấu ấn với mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cung cấp ra thị trường. Hai năm trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện đã đón không biết bao nhiêu đoàn khách đến thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh ở Thanh Hối, Gia Mô và trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt ở một số xã khác. Qua một năm lao động vất vả ai cũng muốn dành cho mình phút nghỉ ngơi, thư giãn, tạm gác lại những thú vui hiện đại, người dân tìm đến với lễ hội Khai hạ, lễ hội “Bắt cá suối Lỗ Sơn”. Được khôi phục bài bản, chính thống có sự đầu tư kỹ lưỡng, mấy năm gần đây, những lễ hội ấy đã vượt ra ngoài khuôn khổ, không gian của Mường Bi, thu hút đông đảo du khách từ huyện bạn, tỉnh bạn đến thăm quan, du lịch. Điều đáng nói là trong những cuộc vui mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng này, người dân đã chia sẻ cho nhau niềm vui, tình thân ái để tiếp thêm nguồn năng lượng khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp. Quan tâm, theo dõi tiến trình phát triển văn hóa, giáo dục của Mường Bi, tôi đã không bỏ sót nguồn thông tin: đầu tháng 12/2014, CLB Sao Khuê phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã tổ chức trao Bảng vàng vinh danh gia đình tiến sỹ, thạc sỹ điển hình cho gia đình ông Quách Vũ Sơn - bà Bùi Thị Phúc ở tiểu khu 7, thị trấn Mường Khến. Đây là gia đình đầu tiên của tỉnh được vinh danh với danh hiệu này.
Tôi đem câu hỏi: Mường Bi xưa và và nay có gì giống và có gì khác, những con người mới của Mường Bi đã làm gì để giữ câu ca xưa “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để tỏ bày với ông Bùi Đình Báu, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Lạc, nay là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện và nhận được câu trả lời: Dẫu rằng cho đến nay cách hiểu về cụm từ nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, nhưng phàm là những người con được sinh ra và lớn lên ở đất Mường Bi đều lấy câu ca đó là niềm tự hào. Bởi vậy, họ luôn có ý thức xây dựng, bảo vệ nền tảng, cốt cách văn hóa đặc trưng của người Mường Bi. Điều không thể phủ nhận là những tôn ti, phép tắc kính trên, nhường dưới, hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, tinh thần đoàn kết cộng đồng đã được lưu giữ từ thời kỳ phong kiến (dưới ách cai trị của lang đạo) cho đến nay và đó chính là sợi chỉ xuyên suốt nối Mường Bi xưa và nay. Là người sống qua hai thế hệ, ông Báu bày tỏ cảm nhận của mình: Đúng là Mường Bi xưa có những nét đặc trưng mà thế hệ như chúng tôi luôn hết sức tự hào, nhưng nếu đem so sánh thì sự hài lòng vẫn sẽ thuộc về Mường Bi của hôm nay. Bởi, bộ mặt KT -XH ngày càng phát triển, người dân làm chủ được bản thân, tự chịu trách nhiệm với công việc mình làm trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Mỗi con người trong xã hội đều được sống tự do, bình đẳng, đặc biệt là trẻ em được sống theo đúng lời răn của Bác Hồ “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” chứ không phải lo chăn trâu, cắt cỏ, đi ở đợ cho nhà lang để trả nghĩa cho cha mẹ như thế hệ của chúng tôi trở về trước.
Tuổi cao, sức yếu được nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước, hiện tại giữ vai trò là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện, ông Báu vẫn luôn luôn sâu sát với tình hình KT -XH, QP-AN của huyện. Lướt qua những chỉ tiêu cụ thể mà UBND huyện Tân Lạc đã đề ra để phấn đấu thực hiện trong năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,8%; thu nhập bình quân đạt 25, 9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14%; hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 77%; tỷ lệ hộ dùng điện là 99%; tỷ lệ hộ xem truyền hình 96%; có 4, 4 bác sừ/vạn dân; đến hết năm 2015 có 21 trường học đạt chuẩn quốc gia... ông Báu bày tỏ sự hài lòng: Mường Bi đang trên đà đổi mới và phát triển! Gió Mường Bi vẫn thổi, mang theo sức sống từ ngàn xưa để góp nhặt những tinh hoa, trang điểm thêm cho Mường Bi của ngày hôm nay thêm phần xuân sắc.