Đã lâu không trở lại xã vùng cao Giáp Đắt (Đà Bắc). Con đường men theo sườn núi lổn nhổn ổ gà ngày nào, nay đã được rải nhựa êm thuận. Đất trời vùng cao ngày cuối năm mang vẻ đẹp hoang sơ, giản dị nhưng làm say lòng ai khi đặt chân tới.
Ngay từ đầu xóm Bao đã nghe dồn dập tiếng trống múa xòe ngày hội làng. Nhịp trống như thúc giục, gọi mời khiến bước chân của ai cũng nhanh hơn để kịp về hội vui. Ngay trên chân ruộng xóm Bao, giữa trập trập trùng ngàn xanh, hàng trăm bà con các dân tộc Tày, Dao, Mường và cả khách người Kinh cùng tay trong tay nhún nhảy theo vòng xòe. Ánh mắt ai cũng rạng ngời niềm vui. Đã vào vòng xòe, không phân biệt trai, gái, dân tộc, tất cả cùng đoàn kết, chung vui. Với vai trò là người giữ nhịp cho cuộc vui, trưởng ban mặt trận xóm Hà Văn Hữu dồn dập gõ chiếc trống treo ngay bên hiên nhà sàn văn hóa. Trưởng xóm Lường Văn Hòa đứng ngay bên cạnh giới thiệu: Nhà văn hóa là ngôi nhà chung của cả xóm. Ngày hội làng, tất cả bà con cùng tập trung về đây để giao lưu thể thao, múa hát. Phấn khởi lắm khi xuân này, xóm được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Cửu tặng bộ bóng chuyền. Nhà văn hóa được hoàn thiện khang trang với sự hỗ trợ 16 triệu đồng của Nhà nước, còn lại nhân dân đóng góp ngày công, gỗ lạt. Còn nhiều sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước phát huy hiệu quả làm nhân dân yên tâm, tin tưởng như: chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, VH-TT, dựng nhà. Nói vậy nhưng đồng bào xóm Bao không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nữa mà đã chủ động trong phát triển kinh tế. Chỉ còn là dĩ vãng cái thời trồng ngô theo kiểu chọc lỗ, tra hạt, cây sắn, cây lúa trên đồi, dưới ruộng thiếu sự chăm bón. Nay, mọi việc không còn khoán trắng cho ông trời mà bà con đã đưa các giống mới như lúa Khang Dân, DS1, ngô LVN 9698, sắn, dong riềng cao sản vào trồng kết hợp đầu tư thâm canh. Năm nay, bà con vừa được mùa, vừa được giá sắn. Nói rồi, anh Hòa dẫn chúng tôi vào nhà anh Hà Văn Chiến. Hàng tấn sắn chất cao trước sân chờ xe ô tô đến thu mua.
Niềm vui được mùa, được giá sắn làm cho nét mặt đồng chí Chủ tịch UBND xã Xa Hồng Lăm rạng ngời hẳn lên. Chủ tịch Lăm cho biết: Cây sắn bây giờ đã là loại cây hàng hóa có giá trị. Cả xã trồng được 120 ha, bình quân mỗi hộ thu được trên 5 tấn. Với giá thị trường 1,2 triệu đồng/tấn như hiện nay thì trồng sắn cũng đem lại ấm no cho nhân dân vùng cao. Vụ thu hoạch vừa rồi, Giáp Đắt cũng có trên 600 tấn dong riềng và hàng trăm tấn ngô bán ra thị trường. Trồng rừng kinh tế cũng là lĩnh vực được quan tâm phát triển. Xã đã thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy Đà Bắc về phát triển kinh tế rừng bền vững. Năm 2010, toàn xã đã trồng mới được gần 100 ha rừng; khoanh nuôi, bảo vệ 1.300 ha. Không khó để tìm những hộ trồng rừng tốt, có thu nhập khá như hộ anh Lường Văn Kim ở xóm Bao, Lường Văn Tình và Xa Văn Mát ở xóm Đắt 5. Chăn nuôi gia súc được chú trọng phát triển theo hướng coi trọng tiêm phòng dịch bệnh, hướng tới nuôi nhốt, không thả rông. Nói như Chủ tịch Lăm thì dẫu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng quan trọng nhất là nhận thức của đồng bào đã thay đổi, có nhiều tiến bộ. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt xấp xỉ 6 triệu đồng. Mua tivi, xe máy không còn là chuyện xa vời đối với người dân. Trong xã đã có những ngôi nhà hai tầng mái bằng khang trang, những điển hình làm kinh tế khá. Xóm Đắt 4 đã trở thành làng văn hóa cấp huyện, 2 xóm Đắt 1 và Đắt 2 đang tiếp tục phấn đấu để đạt được thành tích đó trong năm tới. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự luồng, cổ vũ, động viên nhân dân phát triển KT-XH. Xã không có người mắc tệ nạn xã hội, trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Cái chữ đã được đồng bào coi trọng, quan tâm, chăm lo. Những hủ tục lạc hậu loại bỏ dần, phong tục truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc đẹp như hát khắp vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đó là những tiền đề quan trọng để đồng bào các dân tộc xã Giáp Đắt vững tin bước vào năm mới với quyết tâm giảm nghèo cao nhất.