Nhằm triển khai và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), HĐND tỉnh, UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ động, ban hành kịp thời 04 nghị quyết, 01 quyết định của HĐND, 27 quyết định của UBND tỉnh, 04 kế hoạch của UBND tỉnh. Tỉnh đã ban hành 06 chương trình, kế hoạch, đề án về thực hiện Thỏa thuận Paris, hành động ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển đô thị thích ứng BĐKH. Trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh đã tích cực triển khai, đôn đốc thực hiện nhiều nội dung nhằm xây dựng chiến lược bảo vệ, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên quan trọng nhằm tiết kiệm tối ưu, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Công tác quy hoạch bảo vệ rừng được thực hiện chặt chẽ; có lộ trình bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, phát triển trồng rừng, rừng đầu nguồn. Nhờ đó, trong giai đoạn qua, tỷ lệ che phủ rừng hàng năm của tỉnh luôn đạt trên 51%, góp phần đáng kể vào giảm phát thải khí nhà kính. Các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt. Toàn tỉnh có 04 khu bảo tồn thiên nhiên và một phần diện tích nằm trong 02 vườn quốc gia Ba Vì và vườn quốc gia Cúc Phương với tổng diện tích trên 31.000ha… Các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH được đưa vào Nghị quyết của HĐND tỉnh để bảo đảm cơ sở pháp lý thực thi cao, chủ động về nguồn lực cho triển khai thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng ban hành các Quyết định phù hợp, kịp thời nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về BĐKH chưa đầy đủ và tách biệt; còn thiếu nguồn lực để thực thi các Đề án, dự án, nhiệm vụ về BĐKH đã vạch ra. Hoạt động ứng phó với BĐKH triển khai chưa được đồng bộ, rộng khắp, chủ yếu là hoạt động tuyên truyền, việc triển khai hoạt động thực tế chưa nhiều. Năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra….
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã nêu ra nhiều vấn đề đề nghị tỉnh cần quan tâm, như: chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc xử lý rác thải nguy hại tại các doanh nghiệp; nguồn ngân sách phục vụ chương trình ứng phó với BĐKH; kinh phí bảo vệ môi trường; việc triển khai các giải pháp để giảm thải khí CO2. Lãnh đạo một số sở, ngành đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: tỉnh Hòa Bình rất chú trọng, quan tâm đến vấn đề ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, với địa hình của tỉnh miền núi nên tỉnh gặp nhiều khó khăn trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Đồng chí đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Luật BĐKH để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng; đoàn giám sát có ý kiến, kiến nghị lên Quốc hội về nguồn lực bảo vệ môi trường cho các tỉnh miền núi phía Bắc; có cơ chế, chính sách tốt hơn hỗ trợ tỉnh hòa Bình trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn Sông Đà nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, cung cấp nước sạch cho thủ đô Hà Nội. Đề nghị nâng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đoàn đánh giá cao kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được về ứng phó với BĐKH trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm về vấn xử lý nước thải khu công nghiệp; chỉ đạo thanh tra, xử lý về vi phạm hành lang kỹ thuật bảo vệ các công trình khí tượng, thủy văn; đại diện Bộ TN&MT báo cáo Bộ về vi phạm này và xem xét thực trạng ở các địa phương khác để có biện pháp xử lý. UBND tỉnh Hòa Bình sớm hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát./.