DetailController

Quốc phòng - An ninh

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn tỉnh

08/03/2019 00:00
Ngày 7/3, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh, một số sở, ngành, huyện Lương Sơn và Lạc Thủy làm việc với đoàn.
Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy, tỉnh Hòa Bình đã ban hành các kế hoạch, quyết định để triển khai thực hiện Chương trình hành động triển khai CT47. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biên giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC được chú trọng. Đã phối hợp tổ chức hơn 800 buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC với hơn 700 nghìn người tham gia, tổ chức 5 buổi tọa đàm, đưa tin, bài trên các cơ quan thông tin đại chúng. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng của các ngành, cơ quan đơn vị ở địa phương, đảm bảo sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cháy, nổ, các sự cố, tai nạn; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với các cơ sở trọng điểm. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai lắp đặt hệ thống trụ cấp nước chữa cháy đô thị phục vụ công tác chữa cháy. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cấp nước chữa cháy, xây dựng các bến, bãi lấy nước phục vụ chữa cháy.

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện, thành phố phối hợp với Công an tỉnh xây dựng, củng cố phong trào toàn dân PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh thành lập 650 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; bước đầu thành lập và duy trì hoạt động 143 đội dân phòng với 3.535 đội viên; đã thành lập 1.830 tổ với 12.028 quần chúng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các thôn, xóm. Lực lượng cảnh sát PCCC thường xuyên được tham gia bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao trình độ, năng lực.

Hầu hết các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ mới được xây dựng đều được tiến hành thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC theo quy định. Tính đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh có 684 đơn vị trang bị máy bơm chữa cháy, 362 đơn vị lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, 625 đơn vị lắp đặt hệ thống chữa cháy họng nước vách tường, 25 khu đô thị mới có hệ thống trụ cấp nước chữa cháy. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC được tiến hành định kỳ, thường xuyên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về an toàn cháy, nổ.

Thảo luận tại buổi giám sát, các đơn vị và thành viên đoàn giám sát đã báo cáo làm rõ thêm thực trạng công tác PCCC tại địa phương, phân tích những hạn chế, bất cập trong công tác PCCC. Trong đó, các khu công nghiệp có diện tích trên 50ha nhưng chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành theo quy định. Quy định về việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân còn khó thực hiện. Nhiều phương tiện chiến đấu của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ hoạt động kém hiệu quả, đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo, chưa phát huy được hiệu quả trong xử lý các tình huống cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy trong điều kiện địa hình phức tạp.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, trưởng đoàn giám sát đồng ý với các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu. Làm rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác PCCC, đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện tốt việc xây dựng đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, mở rộng cả về số lượng và nâng cao chất lượng để chủ động tạo nguồn nhân lực PCCC ngay tại chỗ. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật PCCC, tích cực, chủ động tham gia công tác PCCC ở nơi sinh sống, làm việc. Thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC./.