
Sau hơn 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, bằng sự cố gắng quyết tâm vào cuộc của các Sở ngành, các huyện thành phố và các cơ sở đào tạo, Hòa Bình đã có những chuyển biến rõ rệt, đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã mở và tổ chức được 424 lớp đào tạo nghề cho trên 12 nghìn lao động nông thôn, đạt trên 35% so với kế hoạch. Kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2019 là gần 46 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là 30.900 triệu đồng, ngân sách địa phương là 14.736 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã mở và tổ chức đào tạo nghề được 55 lớp cho gần 2 nghìn lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm tăng bình quân đạt 2,5%. Số học viên học xong nghề có việc làm và duy trì việc làm với thu nhập cao hơn trước đạt trên 85%, vượt chỉ tiêu đặt ra là trên 70%. Nhận thức của người dân trong những năm gần đây về công tác đào tạo nghề có sự chuyển biến tích cực, từ chỗ học theo phong trào học để cho biết, để được hỗ trợ tiền đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm chuyển đổi nghề nghiệp học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật ứng dựng trong sản xuất nông nghiệp có năng xuất thu nhập cao hơn. Nhất là việc hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp và phát triển nuôi cá lồng bè, chăn nuôi, trồng trọt... theo nghị quyết của Tỉnh ủy. Một số nghề nông nghiệp như trồng và chăm sóc cây có múi ở huyện Cao Phong được nhân rộng tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi; nghề chăn nuôi gà; nuôi cá trên lòng hồ Sông Đà, trồng rau sạch tại huyện Lương Sơn. Một số mô hình hiệu quả về nghề phi nông nghiệp tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh: như may công nghiệp, nghề thêu dệt thổ cẩm tại HTX du lịch Chiềng Châu; nghề chổi chít xuất khẩu..
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã kiến nghị với đoàn giám sát 1 số vấn đề như: Đề nghị HĐND tỉnh xem xét bổ sung danh mục chi cho sự nghiệp giáo dục, hàng năm dành một khoản kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tham gia các cương trình trọng điểm như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dụng NTM, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, sinh kế giảm nghèo bền vững và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn... Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cơ quan đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề xác định rõ chỉ tiêu nguồn lực và tính hiệu quả của Đề án. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề cho người lao động; vận động các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khách sạn sử dụng lao động tại các địa bàn, điểm du lịch nhằm thực hiện có hiệu quả đề án Cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Một số vương mắc, khó khăn trong triển khai đề án như: một số nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh như: việc đào tạo chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quy hoạch sản xuất và xây dựng NTM, việc cấp kinh phí còn thấp, việc giải quyết nguồn vốn vay sau học nghè còn khó khăn... đã được các đại biểu phân tích làm rõ và đề ra hướng giải quyết trong thời gian tới.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tại buổi làm việc. Đồng chí đề nghị thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH tiếp tục tập trung làm tốt công tác tham mưu, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động; Tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo, các huyện, thành phố; Chú trọng công tác khảo sát để đào tạo nghề theo nhu cầu và làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động nhằm đào tạo nghề hợp lý; Chú trọng đào tạo phải gắn với thực hành và thực tế địa phương; Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội./.