DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Giảm nghèo ở huyện vùng cao Đà Bắc

09/07/2014 00:00

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Từ đó đã có nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất để từng bước xóa đói, giảm nghèo. Cũng từ dự án giảm nghèo mà nhiều địa phương đã có đường giao thông đi lại thuận tiện hơn, tạo điều kiện để giúp người dân nghèo được tiếp cận thị trường hàng hóa.

Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình trồng gừng xen ngô tại xóm Ca Lông xã Đồng Chum huyện Đà Bắc

 Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Xa Đức Hiền, dự án giảm nghèo giai đoạn II từ năm 2010-2014 trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 19 công trình. Trong đó, có 9 công trình giao thông với số vốn 11,4 tỷ đồng, chiều dài 10,65 km, số người hưởng lợi là 670 người; 10 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt với số vốn 10,4 tỷ đồng. Các công trình thủy lợi đã mở rộng diện tích tưới tiêu cho 78,5 ha, công trình nước sinh hoạt cung cấp cho 100 hộ gia đình. Để các công trình đạt được hiệu quả tốt nhất, trong quá trình triển khai thi công các gói thầu UBND huyện đã chỉ đạo ban quản lý dự án huyện phối hợp với tổ chức tư vấn giảm sát kiểm tra thường xuyên về tiến độ, chất lượng của các công trình thi công, đảm bảo yêu cầu về công tác quản lý chặt chẽ về khối lượng, chất lượng, mỹ quan theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Bên cạnh đó, các loại vật liệu, thiết bị chính đưa vào công trình phải có chứng chỉ của nhà sản xuất hoặc được lấy mẫu thí nghiệm về chất lượng theo quy định.

Một trong những thành công trong công tác giảm nghèo của huyện Đà Bắc thời gian qua đó là việc đa dạng hóa các cơ hội liên kết thị trường và hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trong đó, mô hình trồng mía nguyên liệu tại hai xã Vầy Nưa và Cao Sơn với diện tích 22,564 ha (99 hộ tham gia thực hiện chia thành 6 nhóm). Đến kỳ thu hoạch đạt sản lượng 2.004 tấn, năng suất bình quân 89 tấn/ha vượt dự toán và hồ sơ đề xuất là 9 ha. Với đơn giá thu mua theo trữ đường 10 CCS bằng 900 đồng/kg, doanh thu của hoạt động đã đạt 2.000 triệu đồng trừ vốn của WB đã đầu tư là 763 triệu đồng thì thu lãi được  1.237 triệu đồng (bao gồm cả công lao động). Bình quân mỗ ha đạt lợi nhuận 54,8 triệu đồng. Theo kế hoạch bổ sung năm 2013 tiếp tục được giao trồng mía cho hai xã Cao Sơn và Vầy Nưa là 31,26 ha. Hiện nay ban quản lý dự án huyện đã nghiệm thu được 25,4 ha (109 hộ chia thành 7 nhóm). Trong đó xã Cao Sơn 15,4 ha, Vầy Nưa 10 ha với tổng lượng mía giống đã giao là 304,3 tấn (tương đương 426 triệu đồng). Dự án hỗ trợ 38 tấn phân vi sinh với số tiền 133 triệu đồng, 5 tấn phân đạm, 13 tấn NPK, hiện nay mía đang phát triển tốt.

Ngoài ra, hoạt động trồng gừng với tổng diện tích 41,5 ha (264 hộ chia thành 11 nhóm) tại địa bàn xã Đồng Chum hiện nay đang phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt khoảng 28 tấn/ha, tổng sản lượng thu được khoảng 1.162 tấn. Theo hợp đồng, đối tác là Công ty Xuất nhập khẩu Dragon Việt Nam cam kết thu mua toàn bộ với đơn giá thấp nhất là 4.500 đồng/kg, dự kiến hoạt động sẽ thu được khoảng 5,3 tỷ đồng. Với tổng chi phí trực tiếp là 3.295 triệu đồng (bao gồm cả công lao động) thì lợi nhuận thu được dự kiến là 1.934 triệu đồng, bình quân lãi ròng 46,6 triệu đồng/ha.

 

Anh Xa Văn Quyền thuộc diện hộ cận nghèo, dân tộc Tày ở xóm Mới 1 xã Đồng Chum cho biết “Trước hai ha đất đồi gia đình tôi chỉ trồng ngô, đến kỳ thu hoạch phải bẻ, tẽ bắp rồi phơi, xấy mất rất nhiều công sức mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu do thương lái ép giá. Nay được dự án giảm nghèo cho tham gia vào sản xuất mô hình trồng gừng xen actisô, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ một phần cây giống, cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi cầm tay chỉ việc nên cây trồng phát triển tốt lắm các chú ạ! Điều đáng mừng hơn nữa là việc trồng gừng xen actisô lại được doanh nghiệp về đến tận nơi ký hợp đồng thu mua với giá 4.500 đồng/kg. Với hai ha gừng xen actisô đang sinh trưởng phát triển tốt như này hứa hẹn năm nay gia đình tôi cũng thu về hàng trăm triệu đồng ấy chứ! So với trồng ngô, mô hình này có tính khả thi hơn nhiều”.

Cũng theo ông Xa Đức Hiền, việc đầu tư hợp phần phát triển kinh tế huyện trong dự án giảm nghèo giai đoạn II trên địa bàn đã mang lại bộ mặt mới cho cơ sở hạ tầng thôn, xã. Nhờ những con đường mới mà giao thông ở một số địa phương giờ đây đã đi lại thuận tiện hơn, tạo điều kiện cho người dân nghèo được tiếp cận thị trường hàng hóa. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi tạo điều kiện tưới tiêu thêm cho gần 80 ha công trồng, hỗ trợ đắc lực cho phát triển nông nghiệp. Nhờ có các công trình thủy lợi này mà một diện tích lớn đất nông nghiệp trước đây chỉ trồng cấy 1 vụ được sử dụng triệt để mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân và các công trình nước sạch tạo điều kiện cho hàng trăm hộ gia đình được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Việc đa dạng hóa các cơ hội liên kết thị trường và hỗ trợ sản xuất kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp các nhóm được tiếp cận với thị trường, trực tiếp gặp gỡ các đối tác là doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nông sản. Đặc biệt các hộ thuộc nhóm trồng mía đường, do được đầu tư giống tốt, phân bón đúng quy trình kỹ thuật nên ngay từ đầu vụ thu hoạch năm đầu tiên hiệu quả đạt lãi ròng hơn 40 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, hợp phần ngân sách phát triển xã cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng thôn, bản. Đặc biệt, các tiểu dự án sinh kế đã hỗ trợ người dân vốn đầu tư ban đầu, phương thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện đời sống của người dân nghèo vùng cao. Từ các hoạt động sinh kế, các hộ nghèo đã dần dần từng bước ổn định được kinh tế gia đình, gia tăng nguồn thu nhập, tạo việc làm mới, từng bước thoát nghèo. Điển hình có nhiều hộ ban đầu được dự án hỗ trợ 1 con lợn giống sinh sản, đến nay lợn đã sinh sản thêm hàng chục con lợn con. Hay từ một con dê sinh sản, sau một thời gian chăm sóc đến nay đã có đàn dê 3 đến 4 con. Đối với các hộ ở các xã ven hồ như Vầy Nưa và Tiền Phong đã tận dụng được lợi thế về nguồn nước để nuôi cá lồng. Hiện nay cá lớn nhanh, phát triển tốt, sau chu kỳ đầu tư khoảng 8 đến 9 tháng đã đạt trọng lượng 4-5 kg/con.

Sự thành công của các hoạt động sinh kế không chỉ về mặt tài chính mà còn về nhận thức. Người dân đã ý thức được việc tham gia vào nhóm mang lại nhiều bổ ích, học hỏi, chia sẻ với nhau về cách thức quản lý tài chính của mỗi hộ từ đó rút ra kinh nghiệm để quản lý tài chính nhóm. Qua đó tạo đà phát triển từ những hoạt động sinh kế nhỏ có thể mở rộng quy mô, thay đổi loại hình sao cho phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện của từng địa phương để người dân nghèo tiến tới thoát nghèo bền vững.

Có thể nói, qua gần 4 năm triển khai thực hiện dự án giảm nghèo giai đoạn II trên địa bàn 11 xã của huyện Đà Bắc cùng với sự lồng ghép  đầu tư của các dự án khác, bộ mặt nông thôn mới của các xã đã thay đổi đáng kể. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần theo hàng năm qua các hoạt động sinh kế tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định; tình hình phát triển kinh tế, xã hội của các xã thuộc vùng dự án từng bước phát triển.