DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

14/06/2012 00:00

Ngày 12/6 Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. Đa số các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ban hành các giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cần thiết. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng các biện pháp miễn, giảm thuế mang tính bình quân cho các doanh nghiệp sẽ khó góp phần thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Mục tiêu của việc miễn, giảm thuế khó đạt được vì đối tượng áp dụng, mục tiêu đề ra quá rộng, trong khi nguồn lực hỗ trợ lại hạn chế, khó có thể “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) phát biểu thảo luận tại hội trường về các giải pháp Thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng:

1. Về sự cần thiết ban hành chính sách, và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi xin bày tỏ sự nhất trí với tờ trình của chính phủ và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên nếu nói là nhất trí cao thì tôi không chắc chắn, tôi vẫn còn băn khoăn ở một số điểm như sau: Tôi đã có sự trao đổi với một số doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này thì, qua ý kiến của họ, tôi đều nhận thấy gói giải pháp giãn, hoãn và miễn thuế có giá trị ước tính khoảng 29.000 tỷ đồng của Chính phủ dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhìn chung chỉ mang tính khích lệ tinh thần, còn tác động thực tế để giúp cho doanh nghiệp đối phó với khó khăn hiện tại là chưa thực sự nhiều vì:

Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách chính xác và thật hiệu quả, thì trước hết cần hiểu rõ doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn gì trong chuỗi sản xuất và cung ứng dịch vụ ra xã hội. Quá trình sản xuất giản đơn, cũng như là sản xuất tái mở rộng, cần được tác động đúng nơi, đúng lúc và đúng liều lượng thì quá trình đó mới thực hiện được một cách chơn tru và đem lại hiệu quả thực sự cho xã hội.

Căn cứ trên nguyên tắc này, ta thấy việc hỗ trợ có thể bắt đầu từ khâu đầu vào để có thể giúp doanh nghiệp có chi phí thấp, tiếp theo đó là Hỗ trợ trong quá trình vận hành sản xuất và quản lý sản xuất và cuối cùng là Hỗ trợ các yếu tố đầu ra để doanh nghiệp có thể tích lũy để tái sản xuất mở rộng, phát triển doanh nghiệp. Gói hỗ trợ về thuế của chính phủ hiện nay cũng như sắp tới chủ yếu mang tính chất chỉ là hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Đầu ra của doanh nghiệp này cũng là đầu vào của doanh nghiệp khác. Vì vậy, gói hỗ trợ này một cách gián tiếp cũng được coi là hỗ trợ một phần chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị sản xuất – cung ứng của xã hội.

Vì gói hỗ trợ này tác động chủ yếu vào đầu ra, có nghĩa là nó chỉ hình thành và hiện hữu khi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh và có lãi. Trong khi đó doanh nghiệp thực chất đang đối mặt với những khó khăn đầu vào như chi phí vốn cao, chi phí hàng tồn kho, chi phí giá thành nguyên vật liệu cao… khiến doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn. Với tính chất như vậy, chính sách Hoãn giãn nộp thuế VAT 3 tháng hoặc 6 tháng thực chất sẽ không làm giảm cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp mà chỉ có một tác dụng đó là, hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền không bị thiếu hụt trong ngắn hạn.

2. Về việc Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, trên thực tế cũng chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp có lãi mà không có tác động tới đại bộ phận các doanh nghiệp đang phải vật lộn với chi phí đầu vào quá cao, đang làm bào mòn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Có nghĩa rằng việc giảm thuế này gần như không có tác dụng đối với việc tạo ra tái sản xuất mở rộng cho đại bộ phận doanh nghiệp.

Với các phân tích như trên tôi xin kiến nghị:

Nếu coi thuế là một công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp thì chính phủ cần có một chính sách thuế sao cho có thể làm giảm chi phí đầu vào đối với các doanh nghiệp. Có nghĩa là giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp cung ứng hang hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép… Đi kèm với chính sách thuế phải là việc kiểm soát giá chặt chẽ của những ngành này. Tiếp theo là miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho, đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa dành cho xuất khẩu.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân khi doanh nghiệp và cá nhân có chi tiêu đầu tư hoặc tiêu dùng các sản phẩm y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội (tức là dùng thuế để kích cầu đầu tư và tiêu dùng). Làm sao để doanh nghiệp được hưởng giảm, giãn, hoãn thuế khi tăng chi tiêu đầu vào, thay vì chỉ được hưởng khi doanh nghiệp có lãi như gói hỗ trợ hiện nay.

Về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, gảm thuế giá trị gia tăng, tôi nhất trí như trong tờ trình của chính phủ, có thể bị giảm nguồn thu như Bộ trưởng Bộ tai chính đã phân tích hôm trước nhưng theo tôi biện pháp này sẽ trực tiếp tác động đến các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tền coongvaf từ kinh doanh tới mứ phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậ 1, và giảm thuế GTGT (VAT) để kích thíc tiêu dùng, góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đặc biệt là nó tác động trực tiếp, không qua khâu trung gian giúp cá nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi thực sự.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế./.