DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Giải pháp thực hiện Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

29/12/2021 00:00
Nước sạch là nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày của mọi người dân và đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ sức khoẻ và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân, cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đối với tỉnh Hòa Bình, trong những năm qua Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn để xây dựng các công trình nước sạch tập trung và bể chứa nước sạch, giếng đào, giếng khoan cho các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 297 công trình cấp nước tập trung nông thôn tập trung, qua đó đã nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch. Tính đến hết năm 2021 tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,3%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy định đạt tỷ lệ 51,2%;

Để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu duy trì tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ở mức 95% tại Nghị quyết số 04-NQ/ĐH. Ngày 26/8/2021, Tỉnh ủy Hòa Bình đã Ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó duy trì tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ở mức 95%, nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng để các đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình triển khai hoàn thiện nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Nhằm đạt được mục tiêu tại Quyết định 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là 65% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2030, đến năm 2045 là 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy định), UBND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp thực hiện: Ban hành Nghị định quy định cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng điều chỉnh các quy định phù hợp, có tính chất đặc thù, tạo cơ sở pháp lý triển khai hoạt động cấp nước nông thôn trong giai đoạn tới. Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn phù hợp với từng vùng, miền đảm bảo hoạt động hiệu quả. Xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất nước sạch nông thôn; định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung nông thôn phù hợp với đặc thù vùng miền. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình cấp nước nông thôn trên toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng và vùng khan hiếm nước, chưa có hệ thống cấp nước, Ưu tiên đầu tư các xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Đầu tư hệ thống cấp nước sạch quy mô lớn liên xã, liên huyện đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những vùng dân cư tập trung, khó khăn nguồn nước cần đầu tư những công trình kết nối, tạo nguồn, dẫn nguồn ổn định. Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn phù hợp ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước. Cân đối, bố trí kịp thời theo điều kiện thực tế nguồn vốn ngân sách Nhà nước; sử dụng lồng ghép có hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp và nguồn tự có trong nhân dân để thực hiện./.