DetailController

Giáo dục

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng

11/08/2020 00:00
Các trung tâm học tập cộng đồng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, trong xây dựng xã hội học tập tại cơ sở nó riêng. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cần có trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố và phát triển trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng đã từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, đó là nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Hằng năm, Trung tâm học tập cộng đồng tiến hành phân loại nhu cầu học tập tại địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức các chuyên đề                                              

Cụ thể, thực hiện điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp. Trong đó, việc điều tra, xác định nhu cầu học tập của cộng đồng được các trung tâm thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức như: căn cứ tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương hằng năm; thông qua việc nghiên cứu tài liệu, báo cáo kết quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, tổ chức hội của địa phương; sử dụng phiếu hỏi gửi tới từng gia đình, cá nhân, các tổ chức trong cộng đồng; tiến hành phỏng vấn người dân thông qua các buổi họp thôn, xóm, tổ dân phố, các buổi họp của các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức quan sát phong tục tập quán, môi trường, điều kiện sống…để thu thập nhu cầu học tập của cộng đồng.

Trên cơ sở kết quả điều tra, trung tâm học tập cộng đồng tiến hành phân loại nhu cầu học tập, trong đó tập trung vào các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, xã hội, môi trường, bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế để sắp xếp thứ tự ưu tiên xây dựng kế hoạch, tổ chức các chuyên đề, hoạt động theo từng tuần, tháng và cả năm. Các chuyên đề, hoạt động được trung tâm học tập cộng đồng tổ chức linh hoạt tại trụ sở của trung tâm hoặc tại nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, trường học, tại cơ sở sản xuất, trên đồng rộng…Tùy vào nội dung của chuyên đề và nhu cầu, điều kiện của người học. Đội ngũ giáo viên, báo cáo viên triển khai chuyên đề do các nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở cấp xã và cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện. Bình quân hàng tháng, mỗi trung tâm học tập cộng đồng tổ chức ít nhất 3 chuyên đề và 3 hoạt động học tập.

Công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội được đẩy mạnh, đặc biệt là trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các sở: Nội vụ, Tài chính và Hội Khuyến học tỉnh tham mưu bố trí kinh phí, tổ chức cán bộ và xây dựng chương trình hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hội thảo nhằm đánh giá, bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các tổ chức xã hội xây dựng và triển khai 25 chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Các cơ quan Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh đã tích cực phối hợp xây dựng các tin bài, phóng sự tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Hội Khuyến học tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với 11 cơ quan, đơn vị về tăng cường hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, các đơn vị đã chủ động phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức thường xuyên tự học, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, người lao động, hội viên, đoàn thanh niên và quần chúng nhân dân. Gắn kết chặt chẽ phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập với triển khai thực hiện phòng trào thi đua của cơ quan, đơn vị. Tại các huyện, thành phố, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đã tích cực cử báo cáo viên, hỗ trợ tài liệu, kinh phí để tổ chức các hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn.

Các hoạt động cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, báo cáo viên của trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm triển khai. Trong 15 năm đã tổ chức 28 đợt tập huấn, 224 lớp cho trên 9 nghìn lượt người tham gia, là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ thường trực, giáo viên, cộng tác viên trung tâm học tập cộng đồng, chủ nhiệm các câu lạc bộ phát triển cộng đồng…Các huyện, thành phố đã tổ chức trên 300 lớp với 12,5 nghìn lượt người là thành viên các tổ chuyên môn, nghiệp vụ, các câu lạc bộ, nhóm sở thích trực thuộc trung tâm học tập cộng đồng. Ngoài ra, các trung tâm học tập cộng đồng đã chủ động tổ chức nhiều cuộc học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng được thực hiện kịp thời. Đã có trên 20 tập thể, cá nhân được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng; trên 100 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong lĩnh vực xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng được UBND các huyện, thành phố khen thưởng.

Bên cạnh đó, các nguồn lực xây dựng trung tâm học tập cộng đồng cũng được huy động để đầu tư. Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở cho 135 trung tâm học tập cộng đồng là trên 330 tỷ đồng, trung bình 2,5 tỷ đồng/01 trung tâm. Hỗ trợ 6,3 tỷ đồng từ NSNN cho các trung tâm học tập cộng đồng khi mới thành lập (mỗi trung tâm 30 triệu đồng) để mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động. Hỗ trợ trên 35 tỷ động cho trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hàng năm. Cấp kinh phí hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm cho giám đốc trung tâm học tập cộng đồng với hệ số 0,4 mức lương tối thiểu/tháng và phó giám đốc là 0,3 mức lương tối thiểu/tháng. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực như kinh phí, vật chất, ngày giờ công từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ cho việc xây dựng và tổ chức các hoạt động của trung tâm cộng đồng ước đạt trên 30 tỷ đồng.