Dự án khí sinh học quy mô hộ gia đình được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã được trao tặng giải thưởng năng lượng bền vững- Ashden 2010, đang mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ gia đình ở nông thôn miền núi, nhất là thời điểm giá điện, các mặt hàng khác đang leo thang và tình trạng căng thẳng điện năng diễn ra gay gắt.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Tám, xóm Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh ( Kỳ Sơn) vào đúng lúc vào mùa căng thẳng cắt giảm điện. Hợp Thịnh bị cắt điện luân phiên. Cuộc sống của gia đình anh vẫn không bị đảo lộn vì thiếu điện. Anh vui vẻ cho biết: Gia đình có sử dụng điện đâu mà cắt giảm. Anh giới thiệu, dù ở nông thôn nhưng gia đình nhu cầu sử dụng điện khá lớn. Nếu dùng điện lưới, với nhu cầu của gia đình anh có đầy đủ vật dụng từ máy bơm nước, tủ lạnh, bình nóng lạnh, tivi, đài…,mỗi tháng tiêu tốn từ khoảng từ 200.000- 300.000 đồng, chưa tính giá điện điều chỉnh mới. Ba năm nay, từ ngày đầu tư máy phát sử dụng khí ga, gia đình anh không bị nỗi lo thiếu điện như những hộ nông thôn khác. Anh Hoàng Văn Tám là một trong 5 người của huyện Kỳ Sơn tham gia Dự án khí sinh học quy mô hộ gia đình từ những năm 2003. Lúc đầu, quy mô chăn nuôi của gia đình nhỏ, vài đầu lợn, anh thử nghiệm làm công trình KSH 5,18 m 3, sau đó, chăn nuôi phát triển, anh xây dựng hầm bioga 20,3 m 3. Để biến khí ga thành điện, anh mua máy phát chạy xăng công suất 2,5 ký, chế tạo thành máy chạy bằng khí ga. Với gia đình anh, công trình khí sinh học mang lại hiệu quả thiết thực bảo vệ môi trường và bảo đảm điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đặc biệt ở những vùng nông thôn.
Trung bình một công trình khoảng 15 m3 đầu tư khoảng từ 8- 9 triệu đồng ( giai đoạn 2, dự án hỗ trợ 1,2 triệu đồng). Một gia đình nông dân có thể sử dụng khí ga thoải mái cho đun nấu, dùng nước nóng… Nếu đầu tư thêm máy phát hoán cải chạy xăng sang chạy ga mất thêm vài triệu nữa như gia đình anh có thể chạy được tủ lạnh, máy bơm nước, đun nấu, bình nóng lạnh. Qua 3 năm sử dụng, công trình vận hành tốt. Mấy mùa hè trước cắt cắt điện căng thẳng, gia đình anh không phải sử dụng điện lưới, nhu cầu sinh hoạt không bị đảo lộn. Gia đình anh trở thành địa điểm tránh nắng, nóng cho hàng xóm, người già, con trẻ, phụ nữ mang thai…Chị Thắm, vợ anh Tám khoe, bây giờ có công trình khí sinh học phụ nữ nông thôn không còn lam lũ, lượm củi trôi nổi trên sông, chặt cành cây trên núi, cãi nhau vì ô nhiễm phân, nước thải của gia súc, gia cầm. Ngoài tác dụng thắp sáng và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác, tham gia dự án còn có tác dụng bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn bã phân sạch để bón cho lúa, hoa màu mang lại hiệu quả cao, cây trồng ít sâu bệnh, năng suất đạt từ 1,8- 2 tạ/sào, rau cải có thời gian thu hoạch ngắn, chất lượng, độ sạch cao hơn thông thường. Mấy năm nay, anh Tám còn làm thêm nghề phụ nhưng lại có thu nhập khá là đi chuyển giao công nghệ xây lắp đặt và vận hành công trình khí sinh học cho nông dân nhiều tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc.
Mới đây, anh vinh dự được trao giải nhất- duy nhất trong cuộc thi sáng tạo cá nhân về giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường bền vững do Dự án khí sinh học tổ chức có sự tham gia của đại diện 54 tỉnh, thành phố trong cả nước. Học tập gia đình anh, cả xóm Tân Thịnh đã có hàng chục hộ gia đình xây dựng công trình khí bioga. Kỳ Sơn và Lương Sơn là những huyện có số hộ gia đình tham gia chương trình dự án khí sinh học lớn nhất tỉnh, trên 500 hộ/huyện.