Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân là 1.004,2 tỷ đồng, đạt 54% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn đầu tư theo tiêu chí, định mức giải ngân đạt 62%, nguồn thu sử dụng đạt 46%, nguồn sổ xố kiến thiết đạt 55%; vốn ngân sách Trung ương giải ngân 440,2 tỷ đồng, đạt 40% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 106,5 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn giao; vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện chưa giải ngân.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhất là vốn ODA. Nguyên nhân là do một số địa phương, đơn vị chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt trong đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn ODA năm 2022 đạt 100% kế hoạch; ngày 23/8/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1466/UBND-KTN về các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA. Theo đó,Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, các Chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ODA thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân: Các sở, ban, ngành, chủ đầu tư tiếp tục quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng; thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án; kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên để triển khai thực hiện dự án; đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn, bảo đảm việc thực hiện thông suốt; kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền; chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với nhóm giải pháp liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công: Các chủ đầu tư rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng, phải cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn được giao.
Đối với nhóm giải pháp về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay: Các chủ đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về các chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.Các dự án đề xuất sử dụng vốn dư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để giải ngân phần vốn dư sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với nhóm giải pháp kiểm soát chi, giải ngân: Các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, bảo đảm chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt. Các chủ đầu tư khẩn trương gửi đề nghị rút vốn đối với khối lượng đã được kiểm soát chi tới Bộ Tài chính để giải ngân theo quy định./.