Tòa thành cổ nằm sát đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng (Lương Sơn). Từ đường Hồ Chí Minh đi vào sẽ bắt gặp ngay cổng phía Tây của tòa thành (đây cũng là chiếc cổng còn tương đối nguyên vẹn nhất). Dáng vẻ cổ kính của ngôi thành hiện lên bởi sự rêu phong và bức tường đá ong đã ngả màu theo thời gian.
Cổng thành phía Tây chỉ có một cửa, cao khoảng 6m, được xây bằng gạch. Chiều rộng của cổng thành khoảng 3m. Một điểm đáng chú ý là gạch xây cổng thành là gạch hình vuông, dẹt, có kích thước khoảng 25x30cm, độ dày khoảng 5-7 cm, trong khối gạch xây cổng ấy thỉnh thoảng xuất hiện những viên gạch cùng độ dày nhưng kích thước lớn hơn.
Phía vòm bên trong và hai bên bức tường của cổng, dấu vết của hệ thống cửa thành vẫn còn, được thể hiện bằng việc xây xen kẽ với những khối đá lớn đã được đẽo gọt vuông vức, giữa các khối đá được đục thành các lỗ lớn, dạng như những chiếc bản lề.
Hai bên cổng thành phía Tây, tường thành được đắp bằng đất, phía bên ngoài được xây bọc bằng những khối đá ong hình chữ nhật khá đều nhau, có kích thước khoảng 30x50cm, độ dày khoảng 10-12cm.
Tòa thành hình vuông, hiện nay bốn mặt đều còn dấu tích hào nước lớn bao bọc. Mặt phía Bắc của thành đắp dựa vào sông, ba mặt còn lại đều là hào nhân tạo, hiện đã chia thành các ao nuôi cá.
Tiến sĩ Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, căn cứ vào việc quan sát vị trí địa hình xung quanh và kiến trúc xây dựng, có thể ngôi thành này được xây dựng và sử dụng vào mục đích quân sự là chính.
“Những viên gạch bát xây cổng thành khá nhẵn và được nung kỹ, những viên đá ong xây tường có kích thước tương đối đều nhau và khi xây được xếp khít vào nhau đến từng chi tiết cho thấy trình độ xây dựng của thời bấy giờ đã đạt đến một mức độ tinh xảo nhất định.
Ngoài ra, việc sử dụng nguyên liệu bằng đá ong để xây tường thành cũng gợi mở những thông tin nhất định.
Thứ nhất, căn cứ vào địa hình, địa vật thực tế ở khu vực cho thấy, đá ong là thứ nguyên liệu phổ biến và dễ tìm nhất, mức độ kết dính cũng rất cao. Bởi thế nên nguyên liệu này được ưu tiên thay thế cho những nguyên liệu khác?
Thứ hai, tại sao cổng thành được xây bằng gạch nung mà tường thành lại xây bằng đá ong, không xây bằng gạch? Đá ong là thứ dễ tìm, chỉ cần đào sâu xuống dưới lớp đất đồi là có, khi gặp không khí sẽ rất nhanh khô cứng. Từ đó cho thấy ngôi thành này được xây vội với một khoảng thời gian sao cho ngắn nhất nhưng cũng hiệu quả nhất?”, TS Vũ Thế Long nói.
Ông Trần Văn Sản (75 tuổi, trú tại thôn Bá Lam 2, xã Cao Thắng), từng là cán bộ coi kho xăng dầu quân đội trong kháng chiến chống Mỹ thì trong thời kỳ chiến tranh, cho biết khu vực thành cổ này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của kho xăng dầu T8.
“Đơn vị tôi được chuyển về khu vực thành cổ vào khoảng năm 1965. Khi đó, cổng thành phía Tây, phía Nam và hầu hết tường thành bằng đá ong đều còn khá nguyên vẹn. Cổng thành phía đông thì đã bị san phẳng, từ khi nào thì không ai rõ.
Lúc bấy giờ ngôi thành này là một trong những vị trí trung chuyển xăng dầu quan trọng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Nhiều phuy xăng dầu của quân đội được chôn ngầm dưới đất, sát dưới chân tường thành để tránh bom Mỹ.
“Tuy nhiên, sau này khi chuyển giao cho chính quyền do không được quản lý, bảo vệ nên có một thời gian người dân ở đây đã cạy gạch ở tường thành về xây chuồng lợn, bó sân, bó nhà… nên bây giờ hiện trạng của ngôi thành không còn được nguyên vẹn như trước nữa”, ông Sản nhớ lại.
Cũng theo ông Sản, trong thành cổ khi đó vẫn còn tồn tại dấu tích của 4 dãy nhà, trong đó có ba dãy nhà chạy song song theo hướng Đông - Tây, quay mặt phía Nam, ngoại trừ phần nền móng vẫn còn những tảng đá xanh lớn kê cột và khá nhiều mảnh vỡ của gạch ngói. Nhưng sau bao nhiêu năm biến thành đất canh tác, toàn bộ dấu tích phía trong thành đã biến mất.
Ngoài ra, là một người từng công tác nhiều năm trong quân đội, ông Sản cho rằng, ngôi thành cổ được xây dựng ở một địa thế quan trọng, có thể xem như một căn cứ chiến lược quân sự, án ngữ con đường từ phía Nam vào Hà Đông và Hà Nội ngày nay.