DetailController

Giáo dục

Giai đoạn 2020-2023 : Hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong lĩnh vực giáo dục

29/05/2023 16:30
Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, nổi bật là tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; số lượng, chất lượng giải quốc gia tăng so với các năm trước; có nhiều học sinh tham gia và đoạt giải các sân chơi trong khu vực, quốc tế; chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến rõ nét, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 xếp thứ 33/62 tỉnh, tăng 29 bậc so với năm trước.
Giai đoạn 2020-2023: Chất lượng giáo dục có chuyển biến tiến bộ, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra

Đối với Giáo dục mầm non: Huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 77,9% (tăng 2,8% so với năm 2020), trong đó trẻ tuổi nhà trẻ đạt tỷ lệ 45,7 (tăng 2,9% so với năm 2020 và tăng 2,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở), trẻ tuổi mẫu giáo đạt tỷ lệ 98,7%(tăng 0,6% so với năm 2020 và tăng 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở), trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%. 100% cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn  thể chất và tinh thần, không có ngộ độc, tai nạn thương tích xảy ra; 98,7% trẻ được ăn tại trường (tăng 1,9%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tuổi nhà trẻ chiếm 6,2%, tuổi mẫu giáo chiếm 5,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi tuổi nhà trẻ chiếm 6,5%, tuổi mẫu giáo chiếm 5,3%.

Đối với Giáo dục phổ thông: Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 80,3%, học tin học đạt 56,2%, ngoại ngữ đạt 47,5% (thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc); 85,52% học sinh THCS, 69,82% học sinh THPT được học chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án ngoại ngữ; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 97% đến 99,5%, học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6 đạt 100%, tuyển sinh vào lớp 10 các hệ đạt trên 95%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt trên 97% . Chất lượng giáo dục mũi nhọn hằng năm đạt từ 11-28 giải. Năm 2022, tham dự Cuộc thi Phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 11 (WICO 2022) tại Hàn Quốc, kết quả 3/3 dự án tham dự đoạt Huy chương vàng và 01 giải thưởng lãnh đạo cho giáo viên hướng dẫn, 01 giải thưởng hạng Xuất sắc cho nhóm dự thi; Tham gia Cuộc thi DO YOUR:BIT toàn cầu do Micro:Bit thuộc Tập đoàn truyền thông BBC tổ chức dành cho học sinh từ 8-18 tuổi trên toàn thế giới, Đoàn học sinh tỉnh Hòa Bình tham gia đã xuất sắc giành được giải Quán quân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phân luồng học sinh sau THCS: 81,6% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; 2,8% sau THCS đi học nghề; 11% học sinh vào lớp 10 hệ GDTX; 4,6% học sinh ở nhà phụ giúp gia đình; công tác phân luồng học sinh sau THPT: 11,7% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đến nay toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 09/10 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3, 01/10 huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2; 67/129 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học đạt 51,9%, có 128/129 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục đạt 99,2%. Toàn tỉnh có 309/519 trường mầm non, phổ thông đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia, tỷ lệ 59,54%. Trong đó giáo dục mầm non có 141/222 trường đạt 63,5% (có 27 trường đạt mức độ 2); cấp tiểu học có 20/28 trường đạt 71,4% (có 5 trường đạt mức độ 2); cấp trung học cơ sở có 138/222 trường đạt 62,16% (có 1 trường đạt mức độ 2), cấp trung học phổ thông có 10/47 trường đạt 21,3%. Công tác tự đánh được các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hàng năm luôn đạt 100%.

Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm. Việc bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với thực tế. Toàn ngành có 01 Nhà giáo Nhân dân, 55 Nhà giáo Ưu tú. Năm 2023, đã hoàn thiện hồ sơ và đề nghị xét tặng 09 Nhà giáo Ưu tú. Các chế độ chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch.  Bên cạnh đó, ngành Giáo dục còn tăng cường công tác giáo dục chính trị, củng cố các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong các trường học. Hiện nay, toàn ngành có 558 Đảng bộ, chi bộ với 12.036 đảng viên, đạt tỷ lệ 65% (tăng 4,2% so với năm 2020), trong đó có 9.372 đảng viên nữ chiếm 77,87%, có 6.645 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 55,2%. Có 114 đảng viên là học sinh, sinh viên được kết nạp tại trường Cao đẳng Sư phạm và các trường THPT.

Cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư từ các chương trình, nguồn vốn, dự án, đặc biệt từ chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học nhằm xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 84%, trong đó mầm non đạt 90,8%, tiểu học đạt 74,3%, THCS đạt 94,2%, THPT đạt 96,6%.

Hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất. Toàn tỉnh hiện có 13 trường Phổ thông dân tộc nội trú, 12 trường Phổ thông dân tộc bán trú; từng bước phấn đấu đạt tỷ lệ học sinh dân tộc được học trong trường Phổ thông dân tộc nội trú theo quy định của Chính phủ. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn theo quy định.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến được đẩy mạnh. Hiện nay, mạng Internet đã kết nối đến 100% các cơ sở giáo dục, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đã sử dụng Hệ thống thông tin quản lý nhà trường (SMAS, VNedu); 100% giáo viên các trường THCS và THPT đã được cấp tài khoản hệ thống LMS, LCMS phục vụ sinh hoạt chuyên môn, học tập trực tuyến; học sinh tham gia các kỳ thi trên Internet đều có tài khoản trên trường học kết nối; triển khai chương trình khoa học máy tính và lập trình đến 45% học sinh tiểu học, 65% học sinh THCS; triển khai dạy trẻ mầm non 4 đến 6 tuổi học lập trình tại 53 trường mầm non trong toàn tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra nội bộ của các đơn vị, trường học, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền tự chủ. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc tổ chức thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học. Công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận, xử lý sau thanh tra tiếp tục được quan tâm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Những vấn đề bức xúc đã được tập trung chỉ đạo giải quyết và có chuyển biến tích cực…./.